Ngăn “chuyến tàu vét”

(ĐTTCO)-Câu chuyện Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) bổ nhiệm cùng lúc 76 chức danh cán bộ chỉ 1 tháng trước khi nghỉ hưu đang tràn ngập trên nhiều phương tiện truyền thông và các diễn đàn mạng xã hội đã đặt dấu hỏi về quy trình, động cơ bổ nhiệm cũng như chất lượng cán bộ. 
Ngăn “chuyến tàu vét”
Việc bổ nhiệm hàng loạt chức danh trước khi nghỉ hưu thực ra không phải chuyện mới. Câu chuyện đó đã từng rất nóng vào thời điểm cuối năm 2014, khi thông tin Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền ký bổ nhiệm 60 cán bộ cấp vụ và tương đương ngay trước khi về hưu được đưa ra công luận. Dư luận đã “sốc” bởi chỉ riêng ngày 3-8-2011, ông Truyền đã ký bổ nhiệm tới 22 người. Trong số này, nhiều trường hợp đã được xác minh sau đó là không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Tiếp sau đó, người kế nhiệm là Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng chỉ kém cạnh một chút khi gấp rút bổ nhiệm 35 người ngay trước khi nghỉ hưu vào năm 2016.
Cũng trong năm 2016, ông Đoàn Đức Liêm, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, đã gây bức xúc trong dư luận xã hội khi ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm và điều động cán bộ trong ngành giáo dục ngay trước khi về nghỉ hưu. Cùng thời điểm này, ông Đặng Văn Lớp, nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cũng gây ồn ào dư luận vì đã ký bổ nhiệm hàng loạt chức danh ngay trước khi về nghỉ chế độ. 
Và chỉ cách đây vài ngày, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa vừa công bố quyết định thu hồi 4 quyết định bổ nhiệm sai trái các lãnh đạo thuộc các phòng, ban. Đó là chưa kể rất nhiều vụ việc tương tự ở cấp độ thấp hơn hoặc chưa bị phát giác ở nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có vốn nhà nước. 

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, việc bổ nhiệm lãnh đạo quản lý là một trong các nội dung của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Người đứng đầu căn cứ vào nhu cầu của đơn vị, vào điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành để bổ nhiệm cán bộ. Đây là công việc được tiến hành thường xuyên, bình thường ở các đơn  vị.
Thế nhưng, nhìn vào các quyết định bổ nhiệm hàng loạt thời gian qua có thể thấy ngay sự bất thường. Không có đơn vị nào có nhu cầu cần thay thế, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ cùng một lúc như vậy. Cũng không có lý do gì đủ thuyết phục về việc bổ nhiệm phải dồn cục lại một thời điểm.
Điều này cho thấy, tâm lý “chuyến tàu vét” thực sự đang tồn tại ở nhiều người đứng đầu các cơ quan đơn vị. Và, dù gây bức xúc dư luận, làm xấu hình ảnh và gây mất niềm tin vào các cơ quan công quyền nhưng việc xử lý, ngăn chặn tình trạng này lâu nay đã không được quan tâm đúng mức.
Tình trạng này vẫn đã và đang diễn ra, thậm chí còn ở cấp độ lớn hơn, như 76 quyết định bổ nhiệm nhân sự trong 1 ngày, mới đây của Tổng công ty ACV. Về vụ việc này, ngày 9-7, phía ACV cho biết đã làm báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong đó nêu rõ, việc ký quyết định bổ nhiệm cán bộ của Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng không phải là quyết định cá nhân mà là trách nhiệm thực hiện theo thẩm quyền đã được phân cấp.
Việc ký liền 76 quyết định có lý do chờ kiện toàn xong bộ máy, căn cứ vào nhu cầu quản lý, điều hành và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo mô hình mới, tuân thủ quy định, quy chế của đơn vị. ACV cũng khẳng định, các trường hợp bổ nhiệm mới cán bộ nêu trên đều qua quá trình xem xét, đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với quy hoạch cán bộ giai đoạn 2016 - 2021. Như vậy có nghĩa là, ACV cho rằng, việc tổng giám đốc ký 76 quyết định bổ nhiệm ngay trước khi về hưu hoàn toàn đúng về nguyên tắc.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, việc bổ nhiệm đúng hay sai sẽ được các cơ quan chức năng xem xét, riêng việc ký hàng loạt quyết định ngay trước khi tổng giám đốc về hưu là không nên, dễ gây dư luận xấu trong xã hội. Hơn thế nữa, nhiều vị trí, chức danh hoàn toàn có thể để tổng giám đốc mới ký quyết định bổ nhiệm, không nhất thiết phải làm cùng một lúc, trong thời điểm hết sức nhạy cảm như vậy. 

Xung quanh vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng, công tác cán bộ vẫn đang có kẽ hở. Hiện đã có Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và nhiều văn bản pháp quy quy định về công tác bổ nhiệm cán bộ, với quy trình chặt chẽ, từ quy hoạch, phương án nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm…
Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định cụ thể nào về việc số lượng, thời điểm được ký quyết định bổ nhiệm, nhằm ngăn chặn những trường hợp lợi dụng cơ hội cuối cùng trong sự nghiệp làm lãnh đạo.
Nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đã từng kiến nghị phải có quy định cấm lãnh đạo ký quyết định bổ nhiệm trước khi nghỉ hưu nhưng đề nghị này vẫn chỉ được Bộ Nội vụ ghi nhận và xem xét. Bên cạnh đó, chưa có quy định xử lý với những trường hợp lãnh đạo đã về hưu bị phát hiện sai phạm nhưng chưa đến mức độ xử lý hình sự.
Thực tế đã có nhiều vụ việc bổ nhiệm cán bộ hàng loạt trước khi nghỉ hưu chỉ xử lý sai phạm với người ở lại, người được bổ nhiệm, còn chính người bổ nhiệm thì đã hạ cánh an toàn. Nếu không có những quy định chặt chẽ, không có biện pháp quản lý sát sao hơn thì những sự việc tương tự sẽ còn tiếp diễn và những bức xúc xã hội và hệ lụy hẳn cũng sẽ được tăng theo cấp số nhân.

Các tin khác