Né tiếp dân do… bận họp?

(ĐTTCO) - Không tiếp dân, né tiếp dân, lười tiếp dân, chỉ ngồi trong phòng lạnh và dựa vào báo cáo sai thực tế của cấp dưới để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân, đang là thực trạng nhức nhối hiện nay tại hầu hết cơ quan công quyền. Cách làm việc quan liêu, xa dân này vô hình chung tiếp tục gây thêm bức xúc cho người dân và làm phát sinh thêm khiếu kiện khác, người dân mất niềm tin vào chính quyền.

 

Né tiếp dân do… bận họp?
Báo cáo của Ủy ban Dân nguyện tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 đã nêu: Đất nước có 63 tỉnh thành, nhưng chỉ có 3 chủ tịch tỉnh (Tuyên Quang, Tiền Giang, Sóc Trăng) tiếp dân đủ và vượt số ngày quy định trong 1 năm.
Nghĩa là 60 chủ tịch tỉnh, TP còn lại đã vi phạm Luật Tiếp công dân với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Theo quy định của Luật Tiếp công dân, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp dân ít nhất mỗi tháng 1 lần, cấp xã phải tiếp dân ít nhất mỗi tuần 1 lần, phải công khai lịch tiếp công dân. 
Thế nhưng, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số buổi tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạt tỷ lệ bình quân 48,3% so với quy định. Con số này của chủ tịch UBND cấp huyện gần 72%, của chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạt 24% (có tỉnh đạt dưới 5%).
Thậm chí, tại tỉnh Đồng Tháp trong 5 năm nhiều cán bộ sở ngành chưa tiếp công dân buổi nào. Hoặc có tình trạng chủ tịch UBND tỉnh chỉ tiếp dân 9 phút, không giải quyết khiếu nại mà đi nhậu, dân phải ra tận quán để tìm.
Đời sống mọi mặt của xã hội, của người dân hàng ngày, từ khai sinh, khai tử, làm nhà, quản lý đất đai… đều liên quan đến chính quyền. Người dân có quyền đề nghị, yêu cầu lãnh đạo giải quyết đúng thẩm quyền và đúng pháp luật. Khi đó họ rất mong được gặp trực tiếp người có thẩm quyền giải quyết, đặc biệt là người có có thẩm quyền cao nhất trong cơ quan nhà nước, để có cơ hội trình bày đối thoại về những băn khoăn, vướng mắc của mình, với mong muốn sự việc được giải quyết nhanh chóng.
Tuy vậy, nhiều cơ quan đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu vẫn chưa coi trọng việc tiếp dân, đối thoại với dân trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hầu hết những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài đều có một phần nguyên nhân từ việc tiếp công dân, tổ chức đối thoại ở cơ sở chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.
Vậy vì sao lại có tình trạng nhiều lãnh đạo địa phương ngại tiếp dân? Phải chăng do cán bộ năng lực kém, thiếu bản lĩnh nên sợ gặp trực tiếp và đối thoại với dân? Hay do chủ tịch UBND các cấp quá bận nên không sắp xếp được lịch tiếp công dân? Thực tế, đúng là có chuyện nhiều cán bộ thiếu rèn luyện nên không dám gặp và đối thoại với dân, vì sợ buổi đối thoại có thể là diễn đàn để người dân phê bình mình.
Song nghịch lý ở đây là việc cả năm chỉ tiếp dân vài lần, trong khi lãnh đạo các cấp lại họp liên miên. 
Theo một thống kê năm 2017, tính trong 7 tháng bình quân mỗi lãnh đạo sở, ban, ngành tại TPHCM dự 1.500-2.000 cuộc họp, mỗi người họp 3-4 lần 1 ngày, chưa kể các cuộc họp đột xuất. 4 đơn vị ở TP có số lượng cuộc họp nhiều nhất là Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở KH-ĐT và Sở GTVT.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2017, các sở này tổ chức họp lần lượt là 3.203, 2.124, 2.000 và 861 cuộc họp. Điều đáng nói, trong “ma trận” họp này, nhiều cuộc họp được tổ chức một cách vô bổ, không cần thiết.
Hành chính nhà nước chính là công việc phải giải quyết với người dân của lãnh đạo các cấp tại địa phương - người phục vụ cho đời sống mọi mặt của người dân, đưa ra các quyết định hành chính để giải quyết các vấn đề theo chức năng, thẩm quyền liên quan đến lợi ích, nguyện vọng của người dân theo pháp luật. Vì thế, không thể lấy lý do bận họp để né tránh việc tiếp dân. Bởi việc quan trọng nhất, thường xuyên nhất, phải ưu tiên nhất của người đứng đầu UBND là vì dân.
Lấy đơn cử chỉ trong thời gian ngắn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã 3 lần gặp gỡ, đối thoại với người dân Thủ Thiêm để tháo gỡ các nút thắt, sửa cái sai từ nhiều năm trước. Hay mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã đối thoại với gần 300 tiểu thương. Sau vài giờ đối thoại, chính sách, pháp luật đã được giải thích, chia sẻ, vụ việc cơ bản khép lại sau 11 năm. Nhiều vụ việc cũng được giải quyết sau những buổi đối thoại như thế ở một số địa phương.
Tiếp dân, đối thoại với dân không mất nhiều tiền và thời gian, nhưng lợi ích mang lại làm dân yên, dân tin và dân ủng hộ thì việc gì cũng thành công.

Các tin khác