Muộn còn hơn không

Theo kết quả Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này, sẽ có 424 dự án thủy điện được loại ra khỏi quy hoạch, nhưng đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng đến thời điểm này mới rà soát quy hoạch là quá muộn. Trên thực tế, việc phát triển thủy điện một cách ồ ạt thời gian qua đã để lại nhiều hệ lụy cay đắng.

Mục Thời luận Báo ĐTTC ngày 17-10 có bài “Vấn đề lớn từ thủy điện nhỏ” đề cập những bất cập trong công tác quy hoạch thủy điện thời gian qua. Chiều qua 13-11, vấn đề này tiếp tục được đại biểu Quốc hội mổ xẻ trong phiên họp toàn thể, sau khi đã đóng góp ý kiến tại thảo luận tổ.

Theo kết quả Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này, sẽ có 424 dự án thủy điện được loại ra khỏi quy hoạch, nhưng đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng đến thời điểm này mới rà soát quy hoạch là quá muộn. Trên thực tế, việc phát triển thủy điện một cách ồ ạt thời gian qua đã để lại nhiều hệ lụy cay đắng.

Trên 1.200 dự án thủy điện được quy hoạch trong cả nước dẫn tới tài nguyên rừng, môi trường sinh thái, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa bị thảm sát trên diện rộng. Tới mùa bão lũ, thay vì phòng chống lũ cho hạ du, một số hồ thủy điện xả lũ bừa bãi khiến người dân nơi đây chịu cảnh lũ chồng lũ. Chưa kể sự mất an toàn của hàng trăm hồ trữ nước thủy điện nhỏ giống những “quả bom nước” lơ lửng trên đầu người dân.

Nhưng muộn còn hơn không. Vấn đề quy hoạch thủy điện được đưa ra thảo luận tại kỳ họp này được coi là một bước chuyển mình tích cực từ hoạt động giám sát của Quốc hội. Thực tế, những bất cập trong quy hoạch thủy điện đã được các đại biểu nêu ra từ nhiều kỳ họp trước và một số thành viên Chính phủ đã phải trả lời chất vấn về vấn đề này.

Tại phiên thảo luận hôm qua, nhiều đại biểu Quốc hội có chung yêu cầu: phải truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn. Một vấn đề lớn, gây hậu quả nghiêm trọng mà không ai chịu trách nhiệm không thể được. Việc Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát và quyết tâm loại bỏ hơn 400 dự án khỏi quy hoạch là rất nghiêm túc và cầu thị.

Nhưng việc xử lý không thể chỉ dừng lại ở đó. Không thể chỉ nói chung chung là có yếu kém, có sai phạm, trong khi không chỉ rõ ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến mức độ nào. Thí dụ, trong hơn 400 dự án loại bỏ khỏi quy hoạch có gây thiệt hại gì không? Những thủy điện đã làm đang để lại hậu quả cho quốc gia có bị sai sót gì không?

Nếu có sai sót phải gắn với trách nhiệm của ai? Nhiều đại biểu cho rằng phải xác định được trách nhiệm cụ thể dân mới tin. Vấn đề đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội, muốn có được niềm tin của dân, Quốc hội, Chính phủ phải chủ động củng cố bằng những việc làm cụ thể. Hành động trước nhất là chứng minh cho người dân bắt đầu từ việc xử lý nghiêm túc và thỏa đáng những vấn đề có liên quan đến quy hoạch tổng thể về thủy điện, ai chịu trách nhiệm đến đâu, xử lý như thế nào... phải rõ ràng.

Đi cùng với báo cáo rà soát quy hoạch thủy điện lần này, các cơ quan hữu quan cũng đã trình Quốc hội một dự thảo Nghị quyết quy hoạch tổng thể về thủy điện. Tuy nhiên, bản dự thảo chưa nhận được sự đồng thuận từ nhiều đại biểu.

Một số ý kiến cho rằng Nghị quyết của Quốc hội không thể chỉ biểu thị sự đồng ý hay không đồng ý với các dự án thủy điện được Chính phủ kiến nghị loại bỏ khỏi quy hoạch. Trách nhiệm của Quốc hội là xác định rõ yêu cầu với Chính phủ phải phát triển thủy điện theo những nguyên tắc nào.

Thí dụ, thủy điện nhỏ phải kiên quyết loại bỏ bởi những nguy cơ tiềm ẩn của nó. Trong Nghị quyết cần làm rõ quy mô như thế nào được gọi là thủy điện nhỏ. Vấn đề nữa, quan trọng hơn là xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong quy hoạch thủy điện. Có đại biểu cho rằng vừa qua chỉ thấy vai trò của Bộ Công Thương trong quy hoạch thủy điện, còn Bộ Tài nguyên - Môi trường hay Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn “mới thấy thấp thoáng đâu đó”.

Để khắc phục những tồn tại trong thời gian qua, Nghị quyết của Quốc hội cần xác định cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, thực hiện quy hoạch; đặc biệt là trách nhiệm đối với việc không bảo đảm mối liên kết giữa quy hoạch thủy điện với quy hoạch đất đai, quy hoạch trồng và phát triển rừng...

Nếu hôm nay không xác định rõ trách nhiệm thuộc cơ quan nào, trách nhiệm của Trung ương, của địa phương đến đâu đối với những hạn chế trong thực hiện quy hoạch thủy điện, có thể sau này sẽ lại “hòa cả làng”. Nhiều đại biểu còn đề nghị giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành trong việc trồng rừng thay thế cho diện tích rừng đã bị mất để phục vụ cho các nhà máy thủy điện; xác định rõ thời hạn phải hoàn thành...

Các tin khác