Muốn bán giá rẻ cũng không được!

(ĐTTCO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa nhằm sửa đổi Quyết định 3282. Bên cạnh quy định sẵn có về khung giá trần, Cục Hàng không đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa và đã tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến các hãng hàng không về vấn đề này. Thế nhưng dự thảo này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhau.

(ĐTTCO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa nhằm sửa đổi Quyết định 3282. Bên cạnh quy định sẵn có về khung giá trần, Cục Hàng không đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa và đã tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến các hãng hàng không về vấn đề này. Thế nhưng dự thảo này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhau.

Cụ thể, 2 hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific (JPA) đồng thuận với chủ trương ban hành khung giá vé máy bay, trong đó có quy định giá sàn. Cơ sở để JPA và VNA đồng ý với chủ trương quy định giá sàn là tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: “Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT”.

 Theo quy định này, khung giá phải bao gồm mức sàn và mức trần, nhưng từ trước đến nay do điều kiện mức độ cạnh tranh trên thị trường chưa cao nên cơ quan quản lý chỉ áp dụng mức trần. Còn hiện nay ngành vận tải hàng không đang tăng trưởng nóng, vận tải cung ứng nội địa tăng tới 30%/năm khiến các hãng phải liên tục giảm giá vé, có khi bán thấp hơn giá thành làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các hãng hàng không nói riêng và ngành hàng không nói chung…

Trong khi đó, CTCP Hàng không Vietjet (VJA) kiến nghị không áp dụng giá sàn và tán thành chủ trương nâng mức giá trần hoặc tiến tới bỏ trần. Theo VJA, thị trường hàng không hiện nay không còn tình trạng độc quyền, thay vào đó là cạnh tranh gay gắt giữa các nhà vận chuyển, Nhà nước chỉ nên quản lý, giám sát giá vé máy bay thông qua Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không nên áp sàn giá vé máy bay.

Hơn nữa, thị phần kết hợp của các hãng hàng không đã vượt trên 30% nên quy định giá sàn là không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh 2014. Cũng theo VJA, hiện 90% dân số chưa có cơ hội đi máy bay vì giá vé còn cao so với thu nhập. Do đó quy định giá sàn sẽ khiến người dân bị hạn chế cơ hội đi máy bay, hạn chế cơ hội cạnh tranh của hãng hàng không giá rẻ thông qua việc giảm giá thành dịch vụ.

Hiện nay có 2 hình thức là Nhà nước quản lý giá trực tiếp, hoặc để thị trường định giá. Với Nhà nước chỉ quản lý khi có doanh nghiệp độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường, khi đó Nhà nước sẽ định giá trần hoặc giá sàn. Nếu sản phẩm độc quyền thuần túy, Nhà nước định giá như giá điện, nếu doanh nghiệp độc quyền nhóm, chiếm vị trí thống lĩnh thị trường, Nhà nước định giá trần hoặc giá sàn.

Giá trần được định với trường hợp doanh nghiệp bán giữ vị trí thống lĩnh, để không vượt ngưỡng gây hại cho người tiêu dùng. Giá sàn được định khi doanh nghiệp mua giữ vị trí thống lĩnh (có rất nhiều người bán nhưng chỉ có một vài người mua), để tránh doanh nghiệp mua định giá quá thấp.

 Trong trường hợp với ngành hàng không, hiện Nhà nước quy định giá trần với đường bay nội địa, tương tự như mức giá cơ sở của thị trường xăng dầu, điều này cũng đã được thể hiện trong Luật Giá. Thị trường hàng không nội địa hiện có 4 doanh nghiệp bán dịch vụ bay, theo Luật Giá chỉ quy định giá trần để tránh tăng vượt mức, nếu quy định giá sàn là không đúng luật, bởi vô hình trung tạo rào cản, thui chột cạnh tranh, khiến các hãng không còn đua cạnh tranh giảm giá. Việc đề xuất sửa quy định, thêm giá sàn là duy ý chí, chủ quan trong quản lý, sai luật.

Theo nhiều chuyên gia, thị trường hàng không nội địa chỉ mới thực sự có sự cạnh tranh đúng nghĩa trong 3-4 năm trở lại đây. Việc VJA đưa giá vé siêu rẻ đã hình thành cuộc đua ngầm về giá, đưa mặt bằng giá vé máy bay chỉ còn 50% so với trước kia. Khó có thể nói cuộc đua giá rẻ khiến các hãng giảm hiệu quả kinh doanh, vì dù bán với giá rất rẻ, VJA vẫn có lãi.

Vì thế, việc quy định giá sàn là không cần thiết, bởi giá sàn thực chất nhằm bảo vệ lợi ích cho các hãng hàng không. Không có giá sàn, các hãng hàng không phải cạnh tranh với nhau để đưa ra mức giá cạnh tranh nhất và điều này có lợi cho người tiêu dùng. Còn hoạt động khuyến mại đã có Luật Thương mại và Luật Cạnh tranh điều chỉnh, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá thâu tóm đối thủ.

Thực tế, phương thức quản lý giá vé máy bay bằng khung giá (có giá sàn và giá trần) trên tất cả mọi đường bay nội địa đã lạc hậu so với thực tiễn thế giới và cũng không hoàn toàn phù hợp với cách hiểu cần xác lập đối với các luật của Việt Nam.

Việc của Nhà nước là tạo ra sự cạnh tranh và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, còn giá vé máy bay hãng hàng không toàn quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Cách quản lý giá vé máy bay nội địa ở nước ta nên thay đổi theo hướng hội nhập, thị trường hóa, giảm tối đa sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước.

Các tin khác