Minh bạch trách nhiệm đầu tư công

Phát biểu về sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh, cho rằng đây là tin vui cho cả hệ thống chính trị. Theo ông, sau hơn 7 năm chuẩn bị, chúng ta đã có Luật Đầu tư công, tạo cơ sở pháp lý để  khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát, tham nhũng và chạy dự án đầu tư.

Cuối tuần trước, Luật Đầu tư công, một đạo luật quan trọng được chờ đợi từ lâu đã chính thức được Quốc hội thông qua, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015.

Phát biểu về sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh, cho rằng đây là tin vui cho cả hệ thống chính trị. Theo ông, sau hơn 7 năm chuẩn bị, chúng ta đã có Luật Đầu tư công, tạo cơ sở pháp lý để  khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát, tham nhũng và chạy dự án đầu tư.

 Bộ trưởng Bùi Quang Vinh được biết đến là người rất quyết liệt khi bảo vệ dự án Luật Đầu tư công với câu chuyện “lấy đá ghè chân mình”. Tại diễn đàn Quốc hội cuối năm ngoái, ông Vinh kể: “Khi thảo luận ở bộ về dự thảo Luật Đầu tư công, có vụ trưởng nói: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này còn ai đến Bộ KH-ĐT nữa. Tôi bảo: Không, đất nước này cần sự minh bạch, không có tham nhũng”.

Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí lớn nhất do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Vì vậy, việc quy rõ trách nhiệm quyết định chủ trương đầu tư được xem là vấn đề mới nhất, đột phá nhất trong Luật Đầu tư công.

Bởi lẽ tình trạng lãng phí, thất thoát vốn đầu tư công do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công... đã kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn.

Tại nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ; quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của cấp mình, cũng như khả năng bổ sung của ngân sách cấp trên. Bên cạnh đó, quy trình thẩm định dự án, phần trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cũng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc chủ đầu tư móc ngoặc với tư vấn để nâng giá trị công trình.

Vì vậy, phân rõ trách nhiệm chủ trương, thẩm định dự án của từng cấp là yêu cầu lớn đặt ra trong Luật Đầu tư công. Trong luật dành hẳn một chương để chế định các nội dung, quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.

Trong đó, điểm đổi mới quan trọng là thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Đây là điểm khởi đầu, quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án, nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện và nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư.

Cùng với việc đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư bằng việc chuyển từ lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm, sang kế hoạch trung hạn - 5 năm. Những quy định mới của Luật Đầu tư công sẽ quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn, đặc biệt là tạo ra sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước.

Đáng chú ý, Luật Đầu tư công trước khi trình Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia thực hiện giám sát cộng đồng đối với các chương trình, dự án đầu tư công.

Ngoài ra, liên quan đến quy định về xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp vi phạm, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Theo đó, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại tùy theo tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đáng tiếc trong Luật Đầu tư công, khái niệm “trách nhiệm giải trình” vẫn chưa được ghi nhận chính thức. Luật có quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong đầu tư công, song chưa phân định được giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tổ chức, đặc biệt khi để xảy ra các sai phạm trong hoạt động đầu tư công.

Thêm đó, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ nội dung giải trình về các vấn đề có liên quan trong phê duyệt chủ trương, các chương trình, dự án đầu tư công; lập thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, quản lý đầu tư công là vấn đề rất lớn, không thể đưa hết các chi tiết vào luật.

Bởi vậy, cùng với việc trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công, Chính phủ đang xây dựng 4 nghị định hướng dẫn thi hành. Hy vọng, những khiếm khuyết trong luật sẽ sớm được bù đắp bằng các quy định chi tiết trong các nghị định.

Các tin khác