Minh bạch số liệu nợ xấu

Theo NHNN, số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam tăng từ 4,08% (cuối năm 2012) lên 4,73%/ tổng dư nợ tín dụng vào tháng 10-2013. Khi tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện và dần phục hồi, cộng với những nỗ lực của hệ thống TCTD, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan.

Tuần qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã buộc phải lên tiếng “đính chính” về số liệu nợ xấu khi hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s công bố báo cáo đánh giá tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể lên tới 15%.

Theo NHNN, số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam tăng từ 4,08% (cuối năm 2012) lên 4,73%/ tổng dư nợ tín dụng vào tháng 10-2013. Khi tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện và dần phục hồi, cộng với những nỗ lực của hệ thống TCTD, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan.

Đến cuối tháng 12-2013, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng. NHNN khẳng định đây là số liệu nợ xấu được xác định dựa trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và các thông tin chính thức.

Có thể khẳng định rằng, với những nỗ lực xử lý nợ xấu trong hơn 1 năm qua như thành lập Công ty Quản lý nợ VAMC, tái cơ cấu các khoản nợ, các TCTD tự xử lý bằng việc tăng trích lập dự phòng rủi ro…, tỷ lệ nợ xấu ở Việt Nam đã giảm xuống.

Tuy nhiên, số liệu nợ xấu chính xác hiện là bao nhiêu vẫn là một câu hỏi lớn. Đây không phải lần đầu số liệu nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam có sự chênh lệch lớn giữa các kênh khác nhau. Hồi tháng 7-2012, khi lần đầu tiên NHNN công bố số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, con số nợ xấu của toàn hệ thống là 8,6% (tính đến 31-3-2012), trong khi số liệu tổng hợp từ báo cáo của các TCTD (tính đến 31-5-2012) là 4,47%.

Cũng chính Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s khi đó đưa ra con số nợ xấu khoảng 15%. Giải thích về việc có quá nhiều con số về nợ xấu, đại diện NHNN cho rằng đó là do mỗi bên có một chuẩn mực phân loại nợ khác nhau, nhưng con số nợ xấu theo kết quả giám sát của NHNN là đáng tin cậy và chuẩn mực nhất. Thế nhưng, từ thời điểm đó đến nay, hầu hết các số liệu về nợ xấu đều được NHNN công bố dựa trên số liệu tổng hợp từ báo cáo của các TCTD.

Nếu theo dõi các số liệu nợ xấu được NHNN công bố, cũng có thể thấy các số liệu này không có sự thống nhất. Trong thông báo ngày 21-2-2014, NHNN cho biết đến cuối tháng 12-2013, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63%. Nhưng trước đó 3 ngày (ngày 18-2), trả lời phỏng vấn 1 tờ báo, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, lại tiết lộ: “Con số nợ xấu mới nhất vào thời điểm 31-12-2013 chúng tôi có là 5,66%”.

Một cách tổng hợp khác về nợ xấu do chính NHNN đưa ra cũng đang gây băn khoăn về số liệu. Theo thông báo ngày 21-2-2014 của NHNN: “Nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN, tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%”.

Tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến tháng 10-2013 là  3.315.766 tỷ đồng. Với tỷ lệ nợ xấu 9%, con số nợ xấu tương đương là khoảng 298.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồi cuối năm 2013, chính NHNN cho biết, đến cuối tháng 10-2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 là 316.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ. Vậy con số nào cộng với 10% lại ra được 9%?

Không thể phủ nhận những nỗ lực xử lý nợ xấu của NHNN và hệ thống các TCTD trong thời gian qua. Các giải pháp đưa ra để đưa nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng về ngưỡng an toàn đến nay đã chứng minh được tính hiệu quả. Tuy nhiên, nếu như số liệu về nợ xấu vẫn trong cảnh “tù mù” như hiện nay, lòng tin vào chính sách chắc chắn sẽ giảm sút.

NHNN cho rằng, thông tin về nợ xấu và hoạt động ngân hàng do cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm đưa ra là đáng tin cậy và có cơ sở pháp lý hơn. Những thông tin thị trường và những nghiên cứu, đánh giá chất lượng tín dụng của cơ quan, tổ chức không có chức năng quản lý nhà nước chỉ có ý nghĩa tham khảo. Thế nhưng, thông tin về nợ xấu mà NHNN đưa ra lại khiến nhiều người nghi ngờ, khiến những nỗ lực giảm nợ xấu của toàn hệ thống mất đi nhiều ý nghĩa.

Để thực hiện thành công việc giảm nợ xấu xuống mức 3% vào năm 2015 như mục tiêu đề ra, một yêu cầu quan trọng cần thực hiện ngay lúc này là cơ quan quản lý cần minh bạch và nhất quán về số liệu nợ xấu. Và số liệu nợ xấu được công bố phải từ kết quả giám sát của NHNN, chứ không chỉ dựa vào tổng hợp báo cáo của các TCTD như hiện nay.

Các tin khác