Minh bạch môi trường đầu tư-kinh doanh

Và với tinh thần đó, danh mục ngành nghề cấm đầu tư và kinh doanh, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được nêu rõ trong 2 dự luật trên. Tuy nhiên, đáng tiếc là đến thời điểm diễn ra phiên họp, danh mục này vẫn còn để trống. Chính điều này khiến những sửa đổi quan trọng và mang tính đột phá về thể chế kinh doanh 2 dự luật mang lại không nhiều ý nghĩa.

Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đầu tuần này, nguyên tắc “người dân được tự do kinh doanh, đầu tư các ngành nghề mà pháp luật không cấm” của Hiến pháp năm 2013 tiếp tục được nhấn mạnh, khi UBTVQH cho ý kiến vào 2 dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Và với tinh thần đó, danh mục ngành nghề cấm đầu tư và kinh doanh, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được nêu rõ trong 2 dự luật trên. Tuy nhiên, đáng tiếc là đến thời điểm diễn ra phiên họp, danh mục này vẫn còn để trống. Chính điều này khiến những sửa đổi quan trọng và mang tính đột phá về thể chế kinh doanh 2 dự luật mang lại không nhiều ý nghĩa.

Bởi như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Nếu muốn Quốc hội thông qua, các dự luật trên phải làm rõ cái gì cấm, cái gì kinh doanh có điều kiện chứ không thể để trống”.

Lý giải cho việc chậm trễ bổ sung danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu lý do ban soạn thảo “chờ mãi nhưng các bộ khác không gửi danh mục sang”. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp yêu cầu nhưng đến nay ngoài Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ (là những bộ, ngành ít phải đặt điều kiện và cấp phép nhất), các bộ, ngành khác vẫn bặt vô âm tín.

Bản thân Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng bày tỏ sự bức xúc trước việc này và cho biết sẽ tiếp tục đề nghị Thủ tướng có công văn yêu cầu các bộ, ngành đưa ra danh mục trên vào tháng 9 tới, trước khi 2 dự luật được trình Quốc hội xem xét thông qua.

“Tôi cũng thấy rất đặc biệt. Nói vậy để biết rất cam go trong lĩnh vực này. Chắc công việc này khó quá, phức tạp quá nên họ chưa gửi” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trần tình. Có lẽ cam go và khó khăn thật, bởi với những người tâm huyết với công cuộc cải cách môi trường kinh doanh, ai cũng hiểu việc nới lỏng tự do kinh doanh sẽ làm ảnh hưởng lớn tới lợi ích của cơ quan quản lý nhà nước.

Minh bạch danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh sẽ giúp người dân và doanh nghiệp tự do làm những ngành nghề ngoài danh mục này mà không phải vướng bận nhiều về thủ tục. Nhưng ở phía ngược lại, ngoài lý do khó quản lý, các bộ, ngành - nhất là những cơ quan có liên quan đến hoạt động kinh tế, sẽ phải từ bỏ cơ chế xin - cho, quyền ban phát giấy phép con và kéo theo đó là mất đi những lợi ích cục bộ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cải cách thể chế đang được xem là bước đột phá để đưa đất nước phát triển bền vững trong thời gian tới, các bộ, ngành không thể chần chừ mãi. Vào lúc này, kỷ cương hành chính cần phải được áp dụng một cách nghiêm minh.

Thủ tướng đã quyết tâm, UBTVQH đã yêu cầu, không thể vì một lý do nào đó không chấp hành. Thậm chí, có ý kiến cho rằng cần đưa ra một thời hạn nhất định, nếu bộ, ngành nào không rà soát và báo cáo danh mục ngành nghề cấm kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý sẽ phải tự chịu trách nhiệm khi những ngành nghề kinh doanh mà bộ, ngành đó muốn cấm không có trong luật.

Bên cạnh đó, một vấn đề cần được tính đến là không thể vì áp lực thời gian mà chấp nhận một danh mục ngành nghề cấm kinh doanh một cách vô tội vạ. Tại cuộc hội thảo tham vấn dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã đưa ra một hình ảnh rất ấn tượng là cây cột điện bị quấn chằng chịt bởi hàng trăm dây điện, để ví với thực trạng rối rắm của hệ thống danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện hiện nay ở Việt Nam.

Theo thống kê, hiện có khoảng 51 ngành nghề cấm kinh doanh, nhưng lại không có phương pháp luận rõ ràng để trả lời các câu hỏi như: tại sao cấm, cấm nhằm mục đích gì và cấm trong phạm vi nào? Nghiên cứu của CIEM cho thấy thực tế rà soát sơ bộ đã có thể giảm bớt ít nhất 1/4 danh mục cấm kinh doanh. Chính vì thế, để dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thực sự mang tính cải cách, danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và đầu tư cũng cần được cải cách.

Tất nhiên, đây sẽ là cuộc đấu tranh khó khăn và đầy thách thức, bởi phần lớn lĩnh vực cấm kinh doanh và hạn chế kinh doanh đều tuân theo sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành, do các bộ, ngành quy định và trực tiếp cấp phép.

Các tin khác