Minh bạch hoạt động đấu thầu

Lâu nay, phương pháp chấm thầu theo giá thấp nhất đã để lại nhiều hệ lụy. Nhiều nhà thầu không đủ năng lực vẫn bỏ giá thấp theo kiểu “uống thuốc độc giải khát” để trúng thầu, dẫn tới hàng loạt công trình bị dở dang, hoặc hoàn thiện nhưng chất lượng kém. Luật mới đã đa dạng hóa phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, tăng tính chủ động, linh hoạt cho chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu phù hợp với từng loại hình và quy mô của gói thầu; loại bỏ tình trạng bỏ thầu giá thấp, nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu.

Luật Đấu thầu năm 2013 có hiệu lực từ tháng 1-7-2014, được kỳ vọng khắc phục những hạn chế, bất cập của luật cũ ban hành năm 2005, đáp ứng yêu cầu phải có một môi trường minh bạch, cạnh tranh cho hoạt động đấu thầu, đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về mua sắm sử dụng vốn nhà nước.

Lâu nay, phương pháp chấm thầu theo giá thấp nhất đã để lại nhiều hệ lụy. Nhiều nhà thầu không đủ năng lực vẫn bỏ giá thấp theo kiểu “uống thuốc độc giải khát” để trúng thầu, dẫn tới hàng loạt công trình bị dở dang, hoặc hoàn thiện nhưng chất lượng kém. Luật mới đã đa dạng hóa phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, tăng tính chủ động, linh hoạt cho chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu phù hợp với từng loại hình và quy mô của gói thầu; loại bỏ tình trạng bỏ thầu giá thấp, nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu.

Ngoài những hình thức lựa chọn nhà thầu đã được quy định trước đây (đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp...), Luật Đấu thầu năm 2013 bổ sung hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng để phù hợp với thực tiễn, nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển và tạo việc làm cho người lao động.

Đáng chú ý, cùng với việc thực hiện Luật Đấu thầu năm 2013, vốn đầu tư công sẽ được quản lý minh bạch và chặt chẽ hơn. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công mà Chính phủ đang hướng tới. Theo ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT), với Luật Đấu thầu mới lần đầu tiên chúng ta có những quy định về hình thức đấu thầu mua sắm tập trung, đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế…

Đi kèm với đó là những quy định chặt chẽ về trách nhiệm của người có thẩm quyền, chủ đầu tư trong suốt quá trình tổ chức đấu thầu. “Những quy định về đấu thầu tập trung, đấu thầu qua mạng, đấu thầu mua thuốc chắc chắn sẽ tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách quốc gia và doanh nghiệp bỏ thầu” - ông Lê Văn Tăng khẳng định.

Thay vì mua sắm công như trước đây mất rất nhiều thời gian, chi phí tổ chức, hàng trăm cơ quan khác nhau mạnh ai nấy làm, nay cơ quan mua sắm tập trung sẽ chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm một lần. Hình thức này giúp tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian và chi phí tổ chức mua sắm, hỗ trợ phát triển sản xuất và khuyến khích nhà thầu nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, việc áp dụng thỏa thuận hợp đồng khung trong mua sắm tập trung và việc hình thành các tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, hợp lý sẽ giúp tăng hiệu quả kinh tế - xã hội cho công tác đấu thầu.

Bên cạnh những điểm mới nêu trên, Luật Đấu thầu năm 2013 đã có những bổ sung quan trọng trong phân cấp, giám sát và xử lý vi phạm trong đấu thầu. Theo quy định trước đây, việc phân cấp sâu trong hoạt động đấu thầu mua sắm tài sản cho cơ quan nhà nước đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, do chưa được quy định cụ thể như đối với dự án đầu tư, trách nhiệm của từng chủ thể được phân cấp và thủ tục trình duyệt chưa được tinh giản, đã khiến mất nhiều thời gian tổ chức hoạt động đấu thầu. Luật Đấu thầu năm 2013 tiếp tục giao người quyết định đầu tư, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình tổ chức lựa chọn và thực hiện gói thầu.

Tuy nhiên, khác với quy định cũ, luật mới phân cấp triệt để việc quyết định hình thức chỉ định thầu cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các cấp, mà không yêu cầu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điểm mới nữa là để tránh khép kín trong đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2013 bổ sung trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền, chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Ngoài ra, luật còn bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu, biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt, nhưng không tuân thủ quy định; bổ sung quy định về yêu cầu giám sát của cộng đồng, của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng.

Một quy định khá quan trọng là về đấu thầu qua mạng (đấu thầu điện tử) cũng góp phần tích cực trong minh bạch hóa và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu; đồng thời, thực hiện đầy đủ cam kết với cộng đồng quốc tế về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả hoạt động đấu thầu.

Các tin khác