Ma trận thủ tục hành chính

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 27% ý kiến DN đánh giá TN-MT là lĩnh vực còn nhiều phiền hà khi DN thực hiện thủ tục hành chính. Thủ tục về đầu tư xây dựng và các thủ tục liên quan là một trong những nguyên nhân gây vướng mắc nhất trong các thủ tục hành chính.

Tại cuộc đối thoại doanh nghiệp (DN) về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường (TN-MT) vừa được tổ chức tuần qua, đại diện một hiệp hội DN đã phải thốt lên: thủ tục hành chính về đất đai trong quá trình đầu tư vẫn như một ma trận đánh đố DN.

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 27% ý kiến DN đánh giá TN-MT là lĩnh vực còn nhiều phiền hà khi DN thực hiện thủ tục hành chính. Thủ tục về đầu tư xây dựng và các thủ tục liên quan là một trong những nguyên nhân gây vướng mắc nhất trong các thủ tục hành chính.

Kết quả khảo sát 219 hiệp hội DN lớn nhất của Việt Nam và gần 8.200 DN tư nhân về chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ (MEI) do VCCI vừa thực hiện, cho thấy chỉ số MEI của Bộ TN-MT chỉ đạt 50,14 điểm, trong đó chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đạt thấp 4,38 điểm trên thang điểm 10.

Việc cung cấp thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật đạt 5,53 điểm và việc kiểm tra, rà soát quá trình thi hành pháp luật đạt 5,15 điểm, thấp hơn nhiều so với tình hình chung. Về mức độ kịp thời trong xử lý những bất cập lớn, vấn đề nóng phát sinh trong thi hành pháp luật, kết quả khảo sát cho thấy mức độ “rất kịp thời” chỉ đạt 7,23% so với rất chậm đạt 10,84% và chậm đạt 25,3%...

Trong giai đoạn 2010-2013, với tỷ lệ trung bình 14 DN có 1 DN bị thanh kiểm tra, hoạt động thanh kiểm tra trong lĩnh vực TN-MT bị phản ánh là lực cản sự phát triển của DN. Ngoài ra, hơn 55% DN đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai và nghiêm trọng hơn, tỷ lệ đó đang tịnh tiến theo từng năm.

Phản ánh của Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cũng cho thấy một thực tế khi DN thực hiện thủ tục hành chính để triển khai dự án đầu tư có liên quan đến đất đai như rơi vào một ma trận, không biết gỡ từ bước nào. Đại diện hiệp hội này cho biết thủ tục hành chính về đất đai liên quan đến nhiều lĩnh vực, thủ tục nào cũng làm tiêu tốn rất nhiều thời gian của DN, do họ phải trải qua nhiều quy trình, xin ý kiến đủ loại ban bệ một cách trùng lặp ở tất cả các bước. Điều này đã làm chậm tiến trình triển khai dự án đầu tư của DN.

Trên thực tế, bản thân ngành TN-MT thời gian qua cũng đã có nhiều nỗ lực để cải cách thủ tục hành chính. Theo lãnh đạo Bộ TN-MT, thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, bộ đã rà soát, thống kê và công bố trên cơ sở dữ liệu quốc gia 212 thủ tục hành chính; đề xuất đơn giản hóa trên 90% số thủ tục hành chính của ngành (trong đó 70% số thủ tục hành chính được thực hiện tại các cấp chính quyền địa phương). Tuy nhiên, bản thân Bộ TN-MT không thể một mình giải quyết được vấn đề thủ tục hành chính mà cần có sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống.

Phải có sự thay đổi về cả tư duy lẫn hành động, cần dỡ bỏ rào cản một cách thiết thực chứ không chỉ công bố số liệu cắt giảm thủ tục, nhưng hiệu quả thu lại không được bao nhiêu. Mặc dù Bộ TN-MT đã nỗ lực thực hiện cải cách, cắt giảm trên 50% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, nhưng vẫn có đến 30,8% DN phải trả thêm chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ về đất đai. Con số này cho thấy kết quả cải cách vẫn còn cách xa so với yêu cầu, còn gây tốn kém, phiền hà, bức xúc cho người dân, DN, thậm chí vẫn là mảnh đất màu mỡ cho tệ quan liêu, cửa quyền trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Để thủ tục không còn là ma trận trong quá trình đầu tư kinh doanh của DN, điều quan trọng nhất phải tăng tính minh bạch. Thủ tục được cắt giảm, nhưng cần rõ ràng, chi tiết, công khai DN mới thực sự được hỗ trợ. Một yếu tố khác là sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên đối với việc cải cách hành chính của các bộ, ngành.

Tại phiên họp Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính diễn ra cuối tuần trước, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết tới đây thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, VCCI sẽ thực hiện đề án lấy tín nhiệm của DN đối với các bộ, ngành và thường xuyên báo cáo công tác này với Chính phủ. Trong đó, trước hết là việc cải cách thủ tục và cải cách hành chính trong việc tiếp cận cơ quan công quyền của DN nhằm loại bỏ thủ tục hành chính không phù hợp, tạo điều kiện cho DN và người dân.

Tuy nhiên, trong cải cách thủ tục hành chính, yếu tố con người vẫn là khâu quyết định. Đây là vấn đề cần chú trọng để có cải cách thực sự về tư duy, cũng như cơ chế, giải pháp để những người tham gia quá trình cải cách hành chính thực sự là những nhân tố cải cách trong bộ máy quản lý.

Các tin khác