Lực đẩy hay lực cản?

Bởi lẽ đây là cơ hội cuối cùng để các bộ trưởng xem xét và đưa ra quyết định có kết thúc được đàm phán, qua đó hiện thực hóa mục tiêu lãnh đạo các nước tham gia đàm phán đề ra là chính thức ký kết hiệp định vào cuối năm nay.

Cuối tuần trước, bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhóm họp tại Singapore. Cuộc họp kéo dài tới ngày mai 10-12, có nội dung rất quan trọng trong tiến trình thúc đẩy ký kết TPP.

Bởi lẽ đây là cơ hội cuối cùng để các bộ trưởng xem xét và đưa ra quyết định có kết thúc được đàm phán, qua đó hiện thực hóa mục tiêu lãnh đạo các nước tham gia đàm phán đề ra là chính thức ký kết hiệp định vào cuối năm nay.

Theo Bộ Công Thương, tại hội nghị các bộ trưởng phải xem xét để đưa ra quyết định trong những lĩnh vực quan trọng nhưng còn vướng mắc giữa các nước tham gia đàm phán, như hàng hóa, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước... Và vấn đề quan trọng nhất các bộ trưởng phải quyết định là hàng hóa - lợi ích có thể nhìn thấy được và các nước đều rất quan tâm.

Yêu cầu đặt ra của TPP là WTO+, tức hướng đến tự do hóa toàn diện. Nếu 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký, tỷ lệ xóa bỏ mức thuế cao nhất 99%, TPP hướng đến xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu (trong đó trên 90% xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực).

Với cơ chế như vậy, cơ hội TPP mang lại cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam rất lớn, đặc biệt với nhóm hàng dệt may. Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết việc cắt giảm thuế theo quy định của TPP sẽ giúp xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng trưởng 13-20%/năm trong giai đoạn 2013-2017 và có thể đạt 25-30 tỷ USD năm 2025.

Tuy nhiên, TPP cũng là “miếng bánh không dễ xơi”, bởi triển vọng là vậy nhưng để đạt được mức tăng trưởng này, dệt may phải đối mặt với những thách thức nhất định về quy tắc xuất xứ. Cụ thể, quy tắc xuất xứ từ “sợi trở đi” rất ngặt nghèo và khó thực hiện, bởi hiện nay Việt Nam chưa có năng lực để có thể sản xuất từ “sợi trở đi”.

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu chúng ta nhập khẩu vải từ các nước TPP (trước khi Nhật Bản tham gia TPP) chỉ có Hoa Kỳ và Mexico. Việc nhập khẩu vải từ 2 nước này về Việt Nam để sản xuất ra sản phẩm rồi xuất ngược sẽ đội chi phí giá thành, triệt tiêu lợi ích của doanh nghiệp. Do vậy, quan điểm của Việt Nam là kiên quyết không nhượng bộ trong đàm phán về dệt may.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, đại diện đoàn đàm phán đang có những động thái tích cực để bớt “ngặt nghèo” hơn trong vấn đề quy định về quy tắc xuất xứ.

TPP có hiệu lực, tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được giảm thuế, mở rộng thị trường. Cơ cấu thị trường xuất khẩu được kỳ vọng cũng sẽ có sự cải thiện đáng kể, bởi hiện có đến 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến các nước Đông Nam Á đã khiến mức độ phụ thuộc vào thị trường này ngày càng lớn.

Mặt khác, hàng hóa của các nước đối tác TPP cũng nhập khẩu vào Việt Nam và cạnh tranh trực diện với doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực của Việt Nam. Bởi thế, TPP không hoàn toàn chỉ là cơ hội mà luôn đi kèm thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh, vận động để thích ứng, thông qua các hoạt động đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng sản phẩm.

Khi TPP được ký kết, các quốc gia tham gia hiệp định này sẽ mở toang cửa thị trường cho Việt Nam. Để tận dụng được cơ hội đó, chúng ta phải có một hệ thống chính sách có thể nhân rộng được tác động tích cực của TPP và giảm thiểu tác động tiêu cực. Như vậy, lợi ích lớn hay nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào phía Việt Nam.

Bài học sau 6 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam cho thấy cơ hội có khi lại trở thành thách thức nếu thiếu ứng xử chính sách vĩ mô thích hợp, thiếu những cải cách bên trong cần thiết. Hiện tại Việt Nam vẫn còn là nền kinh tế chuyển đổi, trình độ phát triển thấp, nên khoảng cách giữa đòi hỏi của TPP và năng lực thực tế của nước ta không hề nhỏ.

Vì vậy, cùng với việc gấp rút và quyết liệt trong đàm phán, Việt Nam cũng cần nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế (khung khổ pháp lý, chế tài thực thi) để có thể đáp ứng cam kết trong TPP.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chúng ta chỉ có thể tận dụng những cơ hội TPP mang lại khi có những đổi mới trong chính sách vĩ mô, sự nỗ lực của tự bản thân doanh nghiệp trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh.

Các tin khác