Lỏng lẻo quản lý lao động nước ngoài

Theo phản ánh mới nhất của báo chí trong tháng 3-2014, lao động nước ngoài lm "chui" tại nước ta vẫn diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát. Tại nhiều dự án lớn ở các địa phương như Hà Tĩnh, Trà Vinh, Bình Thuận, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng... có tới hàng ngàn lao động nước ngoài tới làm việc, nhưng con số được cấp giấp phép lao động chỉ ở phân nửa.

Tình trạng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc không có giấy phép đã được nhắc tới từ nhiều năm nay, thậm chí vấn đề được đưa ra chất vấn tại diễn đàn Quốc hội nhiều lần. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam theo diện không có giấy phép lên tới 40%-50%. Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã đưa ra thêm nhiều quy định về quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam, nhưng dường như đến nay tình trạng này vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Theo phản ánh mới nhất của báo chí trong tháng 3-2014, lao động nước ngoài lm "chui" tại nước ta vẫn diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát. Tại nhiều dự án lớn ở các địa phương như Hà Tĩnh, Trà Vinh, Bình Thuận, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng... có tới hàng ngàn lao động nước ngoài tới làm việc, nhưng con số được cấp giấp phép lao động chỉ ở phân nửa.

Có nơi, như dự án Formosa triển khai tại Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhiều doanh nghiệp, nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu và kéo theo hàng ngàn lao động tự do đi theo. Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (nơi được tỉnh Hà Tĩnh ủy quyền cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài), hiện tại ở khu kinh tế này có 3.730 người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc), nhưng chỉ có 1.560 người được cấp giấy lao động.

Người nước ngoài đến Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, như qua đường tiểu ngạch, buôn bán, du lịch, thăm thân nhân... Họ đến rồi đi theo sự sắp đặt của nhà thầu mà không trực tiếp qua Sở LĐ-TB&XH địa phương - nơi nộp hồ sơ cấp giấy phép lao động. Một số trường hợp, giấy phép hết hạn nhưng không xin cấp lại. Thậm chí, có người đã về nước nhưng để lại giấy phép lao động cho người khác sử dụng, làm “bùa hộ mệnh” khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Điều này rất nghịch lý khi hàng năm có hàng trăm ngàn lao động phổ thông Việt Nam phải ra nước ngoài tìm việc, thì lại có hàng ngàn lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Điều này là hợp lý nếu lao động nước ngoài vào Việt Nam là các chuyên gia, kỹ sư. Nhưng thực tế đa phần lao động nước ngoài đến Việt Nam cũng chỉ làm công việc tay chân, phổ thông.

Một nghịch lý khác là thu nhập của lao động nước ngoài ở Việt Nam lại cao hơn nhiều so với lao động nội địa. Theo phản ánh của địa phương, ở công trường dự án Formosa (Hà Tĩnh), tuy làm cùng một số công việc nhưng lương của công nhân Trung Quốc được trả cao gấp 3, 4 lần công nhân Việt Nam. Nguyên nhân vì lao động Việt Nam không được trực tiếp làm việc với nhà thầu chính mà phải làm việc qua nhà thầu phụ. Đây rõ ràng là một “quả đắng”, mà nguyên nhân là do tình trạng quản lý lỏng lẻo đối với lao động nước ngoài.

Theo quy định tại Nghị định 102 của Chính phủ ban hành tháng 9-2013 và Thông tư 03 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn nghị định này (có hiệu lực từ ngày 1-3-2014), Việt Nam chỉ tuyển dụng các nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật; không chấp nhận lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc. Bên cạnh đó, kể cả các công việc cần chuyên gia, giám đốc điều hành hay lao động kỹ thuật, nếu người Việt Nam có thể đáp ứng được phải tuyển lao động Việt Nam. Quy định như vậy khá chặt chẽ, nhưng thực tế lại diễn ra trái ngược. Vậy nguyên nhân vì đâu?

Theo trả lời mới đây của lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), việc cấp phép cho lao động nước ngoài hiện nay được phân cấp cho các địa phương. Đây là hướng quản lý đúng bởi chỉ có địa phương mới có điều kiện sâu sát với dự án có sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn. Nhưng cũng có thực tế do ưu đãi để mời gọi các nhà đầu tư đến với mình, nhiều địa phương sẵn sàng ngó lơ để nhà đầu tư sử dụng lao động kiểu nào cũng được.

Thông tư 03 quy định Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển và quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn, nhưng không có thêm bất cứ hướng dẫn về chế tài xử phạt ra sao nếu chủ sử dụng lao động có vi phạm. Đây có lẽ là một “kẽ hở” khiến các nhà thầu nước ngoài tự tung tự tác trong việc sử dụng lao động.

Như vậy Cục Việc làm của Bộ LĐ-TB&XH như đứng ngoài cuộc, bởi lãnh đạo Cục này cho biết để phát hiện lao động nước ngoài vào làm việc “chui” thì “trách nhiệm rất lớn là của các địa phương, trong đó có lãnh đạo địa phương”. Với việc đẩy-đưa này, có lẽ vấn nạn lao động nước ngoài làm việc “chui” ở Việt Nam vẫn tiếp diễn trong khi lao động trong nước thất nghiệp và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Các tin khác