Loại bỏ công chức yếu kém

Ngay trong những ngày đầu Xuân mới Giáp Ngọ 2014, dư luận đặc biệt quan tâm tới dự định tinh giản 100.000 biên chế trong bộ máy hành chính trong vòng 6 năm tới vừa được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến.

Ngay trong những ngày đầu Xuân mới Giáp Ngọ 2014, dư luận đặc biệt quan tâm tới dự định tinh giản 100.000 biên chế trong bộ máy hành chính trong vòng 6 năm tới vừa được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến.

Theo dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ Nội vụ, những người trong diện tinh giản không chỉ là cán bộ, công chức trong biên chế mà còn cả viên chức, người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; lãnh đạo, quản lý trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; người làm việc trong các hội có tính chất đặc thù.

Dự kiến, việc tinh giản biên chế sẽ được thực hiện trong vòng 6 năm (2014-2020), trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Mức phí bình quân cho một người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, còn một người thôi việc là khoảng 90 triệu đồng, tổng kinh phí dự kiến để thực hiện chính sách tinh giản biên chế là khoảng 8.000 tỷ đồng.

Còn nhớ năm ngoái, câu chuyện về tinh giản biên chế đã làm nóng diễn đàn Quốc hội khi các đại biểu của dân muốn làm rõ thông tin 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu đúng là có 30% cán bộ, viên chức trong bộ máy không làm việc, thì số đó vào khoảng 700.000 người.

Và mỗi năm Nhà nước phải chi tới 17.000 tỷ đồng tiền lương, là số tiền lãng phí rất lớn. Việc chi 8.000 tỷ đồng trong 6 năm để tinh giản 100.000 biên chế cũng là hợp lý. Tuy nhiên, điều được nhiều người quan tâm là đối tượng tinh giản lần này có thực sự là những cán bộ, công chức đến công sở nhưng không làm việc, gây lãng phí ngân sách - chính là tiền thuế của dân?

Theo dự thảo của Bộ Nội vụ, sẽ có 5 trường hợp nằm trong diện xét tinh giản biên chế sắp tới của Chính phủ. Trong đó, chủ yếu là lao động bị dôi dư trong quá trình sắp xếp, cải cách DNNN. Điều này cũng có nghĩa là yêu cầu về tinh giản những cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” như yêu cầu của các đại biểu Quốc hội dường như chưa được tính tới trong dịp này.

Tất nhiên, cũng phải thông cảm với Bộ Nội vụ bởi việc rà soát, điều tra để xác định con số bao nhiêu cán bộ, công chức không làm việc là điều không dễ dàng, cần có nhiều thời gian. Nhưng nếu việc tinh giản biên chế được tính cho thời gian khá dài (6 năm) như dự thảo, việc bỏ qua những đối tượng trên thực sự khiến dư luận băn khoăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tinh giản được bao nhiêu biên chế không quan trọng bằng việc cải cách bộ máy thực sự hiệu quả để chọn lựa những cán bộ, công chức thực sự làm việc, loại bỏ những người không làm việc hoặc làm việc kém hiệu quả. Với việc xác định đối tượng tinh giản như dự thảo mới của Bộ Nội vụ, nhiều người nghĩ tới kết quả của quãng đường 5 năm tinh giản biên chế theo Nghị định 132.

Cụ thể, từ năm 2007 đến năm 2012, có gần 67.400 người ra khỏi biên chế nhà nước, nhưng có tới 61.000 người trong số đó là nghỉ hưu trước tuổi. Như vậy, số biên chế được tinh giản chỉ đơn thuần là vận động những người sắp đến tuổi nghỉ, về hưu sớm, gần như không có người bị tinh giản vì làm việc kém hiệu quả. Đây thực sự là một bài học cần được xem xét sâu sắc trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, một kết quả bi hài hơn là cũng trong giai đoạn 2007-2012 biên chế công chức tăng trên 35.000 người (tăng 15,09%); biên chế viên chức tăng trên 381.000 người (tăng 25,29%). Lý do đưa ra là phải bổ sung biên chế cho các đơn vị mới được thành lập.

Bởi vậy, nhiều người đặt câu hỏi rằng dự thảo mới của Bộ Nội vụ giảm 100.000 người trong bộ máy, nhưng bỏ ngỏ chuyện tuyển vào liệu có khiến câu chuyện tinh giản biên chế đi vào lối mòn cũ? Rõ ràng, tư duy về cải cách hành chính, tinh giản bộ máy cần có sự đổi mới mạnh mẽ mới mang lại hiệu quả.

Trong đó, trước hết cần xây dựng một bộ quy chuẩn mới để thực sự đánh giá được năng lực, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức. Đây mới là cái gốc để xác định được mục tiêu, nội dung cho việc tinh giản biên chế.

Bộ Nội vụ mới đây đã thúc đẩy phương pháp đánh giá cán bộ theo hướng cấp trên đánh giá cấp dưới, không để tập thể đánh giá cá nhân như trước. Có thể cách làm này sẽ là một bước tiến lớn, nhưng để thực hiện thì không chỉ trong ngày một, ngày hai. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, giải pháp khả thi nhất là cần xác lập được sự phụ thuộc của các quan chức hành chính vào dân, bằng cách xây dựng tiêu chí đánh giá công chức dựa trên cơ sở sự hài lòng của người dân.

Chỉ có vậy, hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính mới được nâng lên, đồng thời sẽ có cơ sở để xác định và loại bỏ những cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.

Các tin khác