Linh hoạt mục tiêu tăng tín dụng

Tại hội nghị triển khai chính sách tiền tệ năm 2014 tổ chức hôm qua 18-12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 khoảng 12-14%.

Tại hội nghị triển khai chính sách tiền tệ năm 2014 tổ chức hôm qua 18-12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 khoảng 12-14%.

Theo NHNN, mức tăng trưởng tín dụng như vậy nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, lạm phát mục tiêu năm 2014 mà Quốc hội đã đề ra (kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7%, tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%).

Nhìn vào thực tế tăng trưởng tín dụng trong 2 năm qua, cũng như phân tích tình hình năm 2014, có thể thấy mục tiêu trên là thách thức khá lớn. Năm 2012, NHNN đặt mục tiêu tăng tín dụng 15-17%, nhưng thực tế chỉ đạt 8,91%.

Năm 2013, NHNN dự kiến tín dụng tăng khoảng 12%, nhưng tính đến ngày 12-12-2013, tín dụng mới tăng 8,83% và nhiều khả năng chỉ đạt khoảng 9%. Kinh tế khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, trong khi xử lý nợ xấu còn chậm chạp, được xem là những lý do chính khiến “tảng băng” tín dụng chưa được khai thông.

Nhìn về năm 2014, có thể thấy tình hình cũng chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Bước đầu cơ chế mua nợ xấu của VAMC đã đi vào vận hành, dự kiến mua khoảng 30.000-35.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013 và sẽ tăng cường mua tiếp trong năm 2014.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề của nền kinh tế chưa được cải thiện, như sức cầu yếu, khả năng hấp thụ vốn kém, khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo, sẽ khiến các tổ chức tín dụng tiếp tục khó xử lý các khoản nợ xấu trong năm tới. Bên cạnh đó, Thông tư 02 về phân loại nợ sau 1 năm được trì hoãn thực hiện sẽ chính thức có hiệu lực từ 1-6-2014 cũng là một sức ép.

Đến cuối tháng 10-2013, số dư các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 là 316.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ. Như vậy, nếu tháng 6-2014 áp dụng Thông tư 02, nguy cơ nợ xấu gia tăng sau khi không còn được cơ cấu, giữ nguyên nhóm phân loại. Khi đó, chắc chắn việc khơi thông tín dụng sẽ gặp trở ngại không nhỏ.

Xét về mặt vĩ mô, trong điều kiện ngân sách nhà nước tiếp tục mất cân đối, năm 2014 chính sách tiền tệ sẽ chịu nhiều áp lực hơn trong điều hành để hỗ trợ tăng trưởng. Nguy cơ lạm phát cao trong năm 2014 vẫn còn tiềm ẩn do lượng vốn tín dụng vẫn còn phải đáp ứng chủ yếu cho nhu cầu đầu tư của xã hội, trong bối cảnh cơ cấu nền kinh tế vẫn dựa vào vốn tín dụng để có tăng trưởng.

Đó là chưa kể tới việc lần đầu tiên trong nhiều năm, chính sách tài khóa được nới lỏng bằng việc nới trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 trái phiếu chính phủ để gia tăng đầu tư. Nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại việc bung đầu tư nhà nước trong bối cảnh chưa thay đổi cơ cấu tăng trưởng, cái giá phải trả là rủi ro lạm phát và nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô.

Bởi vậy, khi chính sách tài khóa không thể thắt chặt, dứt khoát chính sách tiền tệ không được nới lỏng. Năm 2012 tăng trưởng tín dụng 8,91% tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,25%. Năm nay, GDP dự kiến đạt khoảng 5,3-5,4% nên không có lý do gì phải đẩy bằng được tăng trưởng tín dụng lên 12% như mục tiêu đề ra từ đầu năm, chỉ cần ở mức khoảng 10% hoặc thấp hơn.

Tại một diễn đàn gần đây, để minh họa cho khuyến nghị không nên nới lỏng chính sách tiền tệ, có chuyên gia cho rằng các ngân hàng hiện đang rơi vào cảnh “đứng cho vay, quỳ thu nợ”. Nếu tiếp tục thúc ép giải ngân tín dụng sẽ khó kiểm soát chất lượng và đẩy các ngân hàng vào cảnh “quỳ cho vay, nằm thu nợ”.

Thay vì tìm cách đẩy mạnh tín dụng trong điều kiện không mấy an toàn như hiện nay, những việc NHNN có thể làm và nên làm là thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất huy động với lãi suất cho vay; giữ lãi suất ở mức thực dương và đừng để nợ xấu phát sinh thêm. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 và cả năm 2015 chỉ nên coi là có tính chất định hướng chứ không cứng nhắc, phải phấn đấu bằng mọi cách.

Để hỗ trợ mức tăng trưởng mục tiêu 5,8% trong năm 2014, “tảng băng” tín dụng cần phải được khơi thông. Nhưng chọn cách thức nào là vấn đề cần cân nhắc kỹ. Nhiều ý kiến cho rằng có 3 việc cơ quan điều hành cần tập trung làm, là xử lý nợ xấu; xóa sự lũng đoạn trong các ngân hàng để khôi phục lòng tin thị trường; nâng cao quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Trong đó, yếu tố lòng tin rất quan trọng, nếu không khôi phục được lòng tin, thể trạng nền kinh tế càng yếu. Khi nền tảng đã yếu có dùng cách nào, những chỉ số mục tiêu đặt ra cũng không có tác dụng.

Các tin khác