Lãng phí đến bao giờ?

Trước đó, trong một số phiên thảo luận tại Quốc hội, liên quan đến quản lý ngân sách, có một thực tế không mới nhưng được nhiều ĐBQH quan tâm là tình trạng lãng phí trong quản lý xe công. Mặc dù những năm gần đây, nguồn thu từ ngân sách ngày càng khó khăn nhưng lượng xe công mua mới vẫn rất lớn, trong khi việc quản lý xe công không có nhiều thay đổi.

Ngày mai 10-6, Quốc hội sẽ tiến hành các phiên chất vấn 4 thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo Văn phòng Quốc hội, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cho thấy một trong những vấn đề nóng Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời chất vấn, là đầu tư công, quản lý thu - chi ngân sách để giảm sự lãng phí.

Trước đó, trong một số phiên thảo luận tại Quốc hội, liên quan đến quản lý ngân sách, có một thực tế không mới nhưng được nhiều ĐBQH quan tâm là tình trạng lãng phí trong quản lý xe công. Mặc dù những năm gần đây, nguồn thu từ ngân sách ngày càng khó khăn nhưng lượng xe công mua mới vẫn rất lớn, trong khi việc quản lý xe công không có nhiều thay đổi.

Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết năm 2012 ngân sách đã chi 2.756 tỷ đồng để mua 2.391 xe ô tô công. Tính trung bình tiền mua xe 1,1 tỷ đồng/chiếc. Còn theo báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vừa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, năm 2013 số xe ô tô công mua mới của cả nước 1.477 chiếc với giá 1.329 tỷ đồng. Trong đó, khối Trung ương mua sắm là 448 xe, khối địa phương 1.029 xe, số xe mua mới trong năm 2013 có giá trung bình 900 triệu đồng/chiếc.

Theo quy định hiện hành, trừ 4 chức danh lãnh đạo cao cấp được sử dụng thường xuyên xe công không quy định mức giá cụ thể và các chức danh được sử dụng xe với giá mua căn cứ thực tế (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước…), giá mua xe cho cấp bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ tối đa 1,1 tỷ đồng.

Giá mua xe cho bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND và chủ tịch HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 920 triệu đồng. Nhưng những chức danh này không nhiều, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số hàng ngàn xe công mua mới trong 2 năm qua. Với mức giá trung bình lên tới 1,1 tỷ đồng/chiếc và 900 triệu đồng/chiếc, trong số gần 3.800 chiếc xe công mua mới, chắc chắn số xe mua vượt tiêu chuẩn sẽ không nhỏ.

Trong phiên thảo luận về ngân sách tại kỳ họp này, ĐBQH Võ Thị Dung (TPHCM) đã bức xúc: “Mua sắm xe công nói phải hạn chế, nhưng mỗi năm ngân sách phải bỏ tiền mua hàng ngàn chiếc ô tô, trị giá mỗi xe cả tỷ đồng. Mua như thế có vi phạm kỷ luật chi không, ai chịu trách nhiệm?”.

Cũng tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu của dân thắc mắc tại sao cơ chế khoán xe công đến nay không được thực hiện, dù vấn đề này đã được đặt ra từ nhiều năm nay để chống lãng phí. Từ năm 2006, việc khoán xe công đã được thử nghiệm. Một vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lúc đó đã tự nguyện trả xe cho Nhà nước để thực hiện thí điểm về khoán xe công.

Ông không sử dụng chiếc xe được phân, mà thay vào đó nhận mỗi tháng 4,5 triệu đồng. Theo ông, thực tế số tiền bỏ ra cho việc đi lại chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng và trong gần 3 năm, phần chi phí ngân sách tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng.

 Tháng 5-2007, Thủ tướng ban hành Quyết định 59, chính thức cho phép các chức danh thứ trưởng trở xuống (ở cấp tỉnh từ Phó chủ tịch HĐND và UBND trở xuống) được khoán xe công. Theo tính toán của Bộ Tài chính khi đó, nếu thực hiện khoán xe công sẽ tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Ngoài việc ngân sách không phải chi trả tiền xăng, tiền lương cho lái xe, việc dùng xe công vào việc riêng chắc chắn sẽ được khắc phục, bởi khi đó người dùng sẽ phải bỏ tiền túi chứ không dùng “của chùa” miễn phí. Tại diễn đàn Quốc hội, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng từng tính toán rằng lương trả cho một thứ trưởng hết hơn chục triệu đồng/tháng, nhưng chi phí cho chiếc xe công vị này đi gấp 3 lần.

Việc khoán xe công nếu được áp dụng còn giúp hàng năm ngân sách không phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để mua thêm xe mới. Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện tại cả nước có 36.171 xe ô tô công với 937 xe chức danh, 24.305 xe phục vụ công tác chung và 10.929 xe chuyên dùng. Nếu áp dụng cơ chế khoán với khoảng 50% số xe này, chắc chắn số tiền tiết kiệm cho ngân sách không dừng ở 1.000 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, thực tế cho đến nay do cơ chế khoán không bắt buộc nên nhiều cơ quan, đơn vị không áp dụng. Và lãng phí xe công vẫn là câu chuyện còn dài. Với cơ chế khoán xe, bên cạnh việc không yêu cầu bắt buộc, nguyên nhân chưa thực hiện được còn do cơ chế này chỉ phù hợp với địa bàn thành phố.

Đối với các địa bàn vùng khó khăn, dịch vụ xe công cộng chưa phát triển, cơ chế này lại tỏ ra không phù hợp. Được biết Bộ Tài chính sẽ tham mưu và xây dựng một chính sách phù hợp để có thể áp dụng cơ chế khoán xe trên cả nước, giúp công tác quản lý xe công ngày càng hiệu quả, tránh lãng phí.   

Các tin khác