Làm rõ căn bệnh đội vốn

Theo lý giải của đại diện Bộ GT-VT, các dự án đường sắt đô thị chủ yếu được đầu tư bằng vốn ODA, có quy mô dự án và tổng mức đầu tư lớn, công tác giải phóng mặt bằng phức tạp nên gặp nhiều khó khăn trong triển khai, dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh tiến độ thực hiện. Những nguyên nhân khác được liệt kê là cơ chế chính sách, những biến động về tiền lương, giá vật liệu, tỷ giá ngoại hối.

Thống kê mới đây của Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) cho biết, hiện có 16 dự án đường sắt đô thị đang được triển khai tại Hà Nội và TPHCM. Điều đáng lo ngại là tất cả dự án này đều bị chậm tiến độ từ 3-5 năm và đội vốn 60-200%. Đường sắt đô thị đều là các dự án lớn với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD mỗi dự án, nên việc đội vốn lên gấp đôi, gấp ba cộng với tiến độ chậm trễ cũng có nghĩa chúng ta sẽ phải chi thêm hàng chục tỷ USD để tháo gỡ bài toán giao thông đô thị.

Theo lý giải của đại diện Bộ GT-VT, các dự án đường sắt đô thị chủ yếu được đầu tư bằng vốn ODA, có quy mô dự án và tổng mức đầu tư lớn, công tác giải phóng mặt bằng phức tạp nên gặp nhiều khó khăn trong triển khai, dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh tiến độ thực hiện. Những nguyên nhân khác được liệt kê là cơ chế chính sách, những biến động về tiền lương, giá vật liệu, tỷ giá ngoại hối.

Thêm nữa, các dự án đường sắt đô thị có tính chất kỹ thuật phức tạp, nội dung trong hồ sơ lập dự án chưa phù hợp hoặc thiếu cả về giải pháp kỹ thuật, khối lượng; công trình đường sắt đô thị còn mới đối với Việt Nam, công nghệ và thiết bị đều mới, nhiều vật tư chuyên dụng khó đánh giá kiểm soát về giá... Tuy nhiên, theo phản ánh từ địa phương, nguyên nhân sâu xa của căn bệnh đội vốn lại xuất phát từ công tác lập dự án quá sơ sài.

Tại cuộc họp mới đây với Bộ GT-VT, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bày tỏ bức xúc: “Chúng tôi đã họp kiểm điểm và thấy rằng việc nghiên cứu lập dự án còn quá sơ sài, chỉ là cái vỏ để ký kết. Toàn bộ khung tiêu chuẩn, chính sách pháp lý đến nay còn thiếu, chưa hoàn thiện, lại phụ thuộc quá nhiều vào nhà tài trợ, tư vấn nước ngoài”.

Một chi tiết đáng chú ý được các chuyên gia trong ngành giao thông cho biết là hầu hết nghiên cứu khả thi (FS) của các dự án đường sắt đô thị đều do tư vấn được các nước cho vay vốn chỉ định lập. Và nếu các FS “chỉ là cái vỏ để ký kết”, đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật, triển khai thực tế phải điều chỉnh rồi đội vốn là điều không khó hiểu.

Như thế, câu chuyện giải phóng mặt bằng - vốn được coi là nguyên nhân mấu chốt khiến các dự án giao thông đội vốn - lại có vẻ bị mang tiếng oan với các dự án đường sắt đô thị. Một số ý kiến cho rằng để làm rõ nguyên nhân căn bệnh đội vốn của các dự án đường sắt đô thị, cần phải tách từng hạng mục theo các nội dung: giải phóng mặt bằng làm tăng bao nhiêu, xây lắp tăng bao nhiêu, thiết bị công nghệ tăng bao nhiêu...

Nếu những nội dung có đủ kinh nghiệm và quản lý được vẫn tăng, tư vấn nước ngoài lập FS phải chịu trách nhiệm. Cần làm rõ có hay không việc tư vấn lập dự án thiếu trách nhiệm, đưa ra tổng mức đầu tư thấp để dự án dễ dàng được thông qua, đến khi thiết kế kỹ thuật là tăng tổng mức đầu tư ngay?

Nước ta đang có nhu cầu rất lớn về nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nên phải đi vay từ nước ngoài. Nhưng không vì thế chúng ta chấp nhận yếu tố thua thiệt của bên vay vốn, bởi như Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng từng nhấn mạnh “vốn vay nước ngoài hay trong nước cuối cùng chính người dân phải là người nộp thuế để trả”.

Do vậy, việc quản lý chặt chẽ có hiệu quả vốn vay của nước ngoài cũng như vốn đối ứng của Chính phủ trong các dự án đường sắt đô thị là yêu cầu mà Nhân dân đặt ra cho các bộ, ngành và địa phương liên quan. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sắp tới sẽ đề nghị Thủ tướng cho phép thành lập Ban Chỉ đạo chung về các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM.

Ban chỉ đạo này bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ các dự án, cũng cần chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm làm rõ căn bệnh đội vốn có nguyên nhân thực sự từ đâu để có giải pháp xử lý, không chỉ với những dự án đã triển khai mà cả với những dự án trong tương lai. Sau khi có kết quả cần sớm công bố công khai, bởi như lời của một vị lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an): “Dự án tăng vốn 200% mà người dân không rõ lý do làm sao vận động họ đóng thuế được”.

Các tin khác