Làm cho được, đừng làm cho có

(ĐTTCO) - Môi trường kinh doanh VN đã có thay đổi tích cực sau 3 năm triển khai NQ19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 
Làm cho được, đừng làm cho có

(ĐTTCO) - Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi tích cực sau 3 năm triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ (Nghị quyết 19) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông nhìn nhận tốc độ triển khai Nghị quyết 19 còn rất chậm, kết quả đạt được chỉ là phép cộng giản đơn.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong 3 năm gần đây liên tục được cải thiện. Trong đó năm 2016 tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên vị trí 82). Đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, thực tế trong 3 năm qua còn nhiều nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 19 trước đây vẫn chưa có kết quả hoặc chưa được thực hiện. Đây là món nợ đối với doanh nghiệp.

Những bổ sung, thay đổi vừa qua chủ yếu do sức ép từ doanh nghiệp, từ chỉ đạo của Chính phủ và từ dư luận xã hội. Công chức có liên quan nói riêng và bộ máy quản lý nhà nước nhìn chung vẫn còn thụ động, trì trệ; rất ít đổi mới, sáng tạo trong triển khai Nghị quyết.

Điều khiến dư luận bức xúc hiện nay là câu trả lời thường nghe nhất về một vấn đề vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp, là “chúng tôi làm theo quy định”, ít quan tâm đến những khó khăn doanh nghiệp gặp phải do các quy định, văn bản tạo ra. Đồng thời, ít khi chủ động đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định có liên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, hiện còn rất nhiều văn bản được nêu liên tục trong các Nghị quyết 19 nhưng vẫn chưa được bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu. Như Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12-11-2013 quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; Thông tư 28/2012/TT-BKHCN về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…

Một trong những khó khăn lớn nhất doanh nghiệp đang gặp phải là việc thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý. Theo đó, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật rất có vấn đề, nhất là các thông tư hướng dẫn. Thực tế cũng cho thấy nếu chỉ triển khai thực hiện theo cách làm cũ, tuần tự, từng bước và chỉ có sự tích cực của các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp mà không có sự tích cực, năng động và sáng tạo của cán bộ, công chức nhà nước với tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ người dân, doanh nghiệp sẽ rất khó đạt được các mục tiêu Nghị quyết 19 đề ra.

Năm nay, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn. Theo đó, Nghị quyết 19/2017 bao gồm nhiều nội dung, rất toàn diện, bao phủ hầu hết các yếu tố của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, sử dụng đồng thời 4 đánh giá xếp hạng toàn cầu. Đó là đánh giá và xếp hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB); đánh giá, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ; đánh giá về năng lực đổi mới, sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (UN). Cụ thể, đến hết năm 2017, các chỉ tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt mức ASEAN 4 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines) trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cải thiện điểm số và thứ hạng trên các trụ cột về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu, đồng thời gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương với gần 250 chỉ tiêu.

Rõ ràng mục tiêu trên là thách thức rất lớn không chỉ cho riêng năm 2017 mà cả những năm tiếp theo. Vì thế, để việc thực hiện Nghị quyết 19 đạt được kết quả tốt, đòi hỏi phải có quyết tâm và nỗ lực cải cách ít nhất bằng 3 lần năm 2016. Theo đó, cần giải quyết từng vướng mắc tại các văn bản cụ thể; có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng, của người đứng đầu các bộ, ngành; nâng cao vai trò của các hiệp hội, nhất là các hiệp hội ngành hàng… Ngoài ra, một môi trường kinh doanh tốt là môi trường kinh doanh chi phí thấp nhất và ít rủi ro pháp lý nhất cho doanh nghiệp cũng cần phải được tạo dựng. Tư duy và phương thức quản lý nhà nước “quản bằng mọi giá” phải được thay đổi hoàn toàn bằng phương thức quản lý mới “thông minh hơn, rẻ nhất, ít gây tốn kém và phiền hà nhất cho doanh nghiệp”.

Các tin khác