Kiệt quệ sức mua

Tại Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm tới ở mức 6% - mức khá cao so với đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế.

Tại Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm tới ở mức 6% - mức khá cao so với đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế.

Cơ sở để đặt ra mục tiêu này là các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn do doanh nghiệp tiếp cận tín dụng khi “cục máu đông” nợ xấu được giải tỏa.

Cùng với đó, Quốc hội thông qua chủ trương phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, cũng như nới tỷ lệ bội chi lên 5,3% trong năm 2014, được kỳ vọng sẽ là một cú hích đáng kể về vốn đầu tư từ ngân sách để kích hoạt tăng trưởng. Tuy nhiên, giải pháp này có lan tỏa tới đầu tư của khu vực tư nhân hay không vẫn là câu hỏi để ngỏ.

Về mặt thời vụ, thời điểm cuối năm là cơ hội để các giải pháp kích cầu phát huy tác dụng. Nhưng khác với những năm trước, diễn biến về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng gần đây cho thấy cơ hội kích cầu cuối năm 2013 không hẳn là điều dễ dàng.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 11 đã tăng chậm lại, ở mức 0,34% so với tháng 10, tăng 5,5% so với tháng 12-2012 và tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, tốc độ lạm phát (so với cùng kỳ) trong tháng 11 đã chậm lại ở mức thấp thứ 2 kể từ năm 2003 trở lại đây (chỉ sau năm 2009).

Nguyên nhân chủ yếu do tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, khiến mức tăng giá của những tháng cuối năm nay tăng thấp, trái với thông lệ thường thấy trong 10 năm gần đây. Phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy lạm phát năm 2013 chủ yếu bị chi phối bởi yếu tố chi phí đẩy (điều chỉnh giá dịch vụ công và giá các nhóm mặt hàng do Nhà nước quản lý).

Tại cuộc giao ban về kinh tế-xã hội tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Đào Quang Thu đã nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng CPI tăng thấp thể hiện cầu của nền kinh tế đang rất thấp và sức mua đang có dấu hiệu cạn kiệt. Như vậy, khả năng kích cầu tiêu dùng trong tháng 12-2013 cũng như tháng giáp Tết Nguyên đán rất khó khăn.

Trong khi đó, càng về cuối năm, những mặt hàng có tác động tới tiêu dùng của người dân lại đồng loạt tăng giá. Từ 1-12, giá gas tăng kỷ lục gần 80.000 đồng/bình 12kg. Trước đó từ đầu tháng 10, giá nước sạch tại Hà Nội cũng tăng 800-2.800 đồng/m3 và còn tăng tiếp trong năm 2014 và năm 2015.

Nỗi lo tăng giá điện cũng đang chực chờ từ đầu năm 2014, khi EVN được phép tự quyết tăng giá điện bán lẻ bình quân tới 7%, cao hơn so với biên độ 5% hiện nay. Tất nhiên, với quyết tâm điều hành giá các mặt hàng cơ bản theo thị trường, việc các mặt hàng trên tăng giá là không tránh khỏi.

Nhưng xét từ mục tiêu kích cầu tiêu dùng, đây lại là vấn đề nan giải bởi như đã phân tích ở trên, sức mua của thị trường đang có dấu hiệu cạn kiệt. Lộ trình tăng lương đang gặp nhiều vướng mắc bởi ngân sách hụt thu và doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận.

Đi kèm theo đó, khả năng thưởng Tết thấp hoặc không có thưởng Tết trong năm nay là điều hiển hiện ở nhiều doanh nghiệp. Nguồn thu không có, chắc chắn người dân sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu để bù đắp cho những dịch vụ hay mặt hàng thiết yếu tăng giá, thay vì “dốc túi” cho các nhu cầu tiêu dùng cuối năm như những năm trước.

Từ những phân tích trên, có thể thấy mục tiêu kích hoạt tăng trưởng trong năm 2014 là vô cùng khó khăn. Quốc hội cũng như Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức 7%. Nhưng nếu các giải pháp kích cầu đầu tư không được giám sát chặt chẽ, triển khai thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp, sẽ không có tác động lan tỏa tới kích cầu tiêu dùng. Khi đó, vòng luẩn quẩn kích cầu - tăng giá - lạm phát như nhiều năm qua sẽ quay lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh như vậy, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn, đi vào thực chất hơn. Những nhóm lợi ích đang trì kéo tiến trình này cần phải sớm được xử lý bằng quyết tâm chính trị cao và các giải pháp minh bạch và mạnh mẽ.

Với chính sách tài khóa, cùng với kế hoạch tăng bội chi trên 5%, cần duy trì tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho đầu tư phát triển ở mức 30-32%/GDP năm 2014 để kích thích tổng cầu. Trong đó chi ngân sách cần tập trung đầu tư cho các khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo ra tác động lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực này, từ đó kích thích tăng tổng cầu; đẩy nhanh việc ứng trước một phần ngân sách cho địa phương giải quyết nhu cầu nhà ở tái định cư; đảm bảo nguồn lực giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là những dự án quan trọng, cấp bách, những dự án có thể hoàn thành sớm và đưa vào sử dụng.

Các tin khác