Kiên trì cải cách thuế

(ĐTTCO) - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, tài chính là ngành đi tiên phong trong các nỗ lực cải cách. Thể hiện rõ nhất qua việc giảm số giờ nộp thuế từ 537 giờ xuống còn 117 giờ. Với một ngành phức tạp và nhạy cảm nhất trong các ngành quản lý kinh tế vì liên quan đến doanh nghiệp, việc giảm được 420 giờ nộp thuế chỉ sau vài năm là nỗ lực rất lớn.

(ĐTTCO) - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, tài chính là ngành đi tiên phong trong các nỗ lực cải cách. Thể hiện rõ nhất qua việc giảm số giờ nộp thuế từ 537 giờ xuống còn 117 giờ. Với một ngành phức tạp và nhạy cảm nhất trong các ngành quản lý kinh tế vì liên quan đến doanh nghiệp, việc giảm được 420 giờ nộp thuế chỉ sau vài năm là nỗ lực rất lớn.

 

Tuy nhiên, để các thủ tục hành chính thuế có được nhiều hơn sự hài lòng của doanh nghiệp còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Đó là chính sách thuế còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Chẳng hạn, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp căn cứ xác định chi phí không được trừ cho mục đích tính thuế còn hẹp và chưa rõ ràng.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp có đủ hóa đơn chứng từ cho khoản chi phí, nhưng nếu cơ quan thuế không coi đó là chi phí được trừ, khoản chi phí này vẫn bị loại khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể như việc khống chế đối với mức chi cho phúc lợi xã hội của nhân viên, đã dẫn đến việc doanh nghiệp phải phát sinh chi phí tuân thủ khi điều chỉnh sự khác biệt giữa kế toán và thuế. Bên cạnh đó, việc kết nối thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan liên quan chưa toàn diện. Thí dụ, doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính cho cục thuế, sở tài chính vẫn phải qua đường văn thư vì chưa có ứng dụng hỗ trợ theo đường điện tử. Một số thủ tục hành chính thuế chưa được công khai và tin học hóa, như quy trình giải quyết công văn xin hướng dẫn chính sách thuế cho doanh nghiệp, cơ quan thuế chưa có cơ chế cho phép doanh nghiệp được biết thời hạn trả lời.

Một cuộc khảo sát được công bố mới đây về mức độ hài lòng của doanh nghiệp với thủ tục hành chính thuế đã đưa ra số liệu đáng chú ý. Đó là 36% trong số 3.500 doanh nghiệp được khảo sát năm 2016, cho biết cách hiểu và áp dụng quy định về thuế trong quá trình thanh, kiểm tra của cán bộ thuế có xu hướng suy diễn, gây bất lợi cho doanh nghiệp (năm 2014 là 32%); 34% doanh nghiệp thừa nhận có trả chi phí không chính thức trong quá trình thanh, kiểm tra thuế (năm 2014 là 26%).

Dù thành phần kinh tế có khác nhau nhưng sự lo ngại của doanh nghiệp khá tương đồng. Các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh đều lo ngại về cách hiểu văn bản pháp luật của cán bộ thuế, về việc phải trả chi phí không chính thức trong các lần thanh, kiểm tra cũng như nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp.

Theo ý kiến của doanh nghiệp được khảo sát về nội dung này, khi thanh, kiểm tra thuế, cán bộ thuế chỉ tìm ra lỗi sai phạm để xử phạt. Do đó cần quy định rõ cán bộ thuế phải có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục, sửa chữa, điều chỉnh. Bên cạnh đó thường xuyên luân chuyển cán bộ thanh, kiểm tra; kèm phiếu điều tra độc lập sau thanh, kiểm tra về thái độ làm việc của cán bộ thuế và có hình thức xử lý kỷ luật, thông tin công khai cho doanh nghiệp biết để làm gương cho các cán bộ thuế khác.

Rõ ràng, để cải thiện môi trường kinh doanh, đạt được các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 19, việc cải thiện các thủ tục hành chính thuế đóng vai trò quan trọng. Trong đó, trọng tâm là cải cách chính sách thuế, tăng cường dịch vụ công. Đối với hệ thống chính sách thuế hiện nay cần tiếp tục sửa đổi các quy định chưa rõ ràng, cắt giảm số lượng và đơn giản nội dung biểu mẫu kê khai thuế.

Với dịch vụ công trực tuyến cần đẩy nhanh việc áp dụng cho toàn bộ thủ tục hành chính thuế. Ngoài ra, ngành thuế cần cải thiện hơn nữa tác phong làm việc của công chức. Bởi dù có nhiều cải cách nhưng vẫn còn hơn 50% doanh nghiệp không hài lòng với tác phong của ngành.

 Cải cách là quãng đường dài và đòi hỏi phải có những cam kết chính trị mạnh mẽ, thực thi quyết liệt từ Chính phủ, bộ, ngành liên quan và sự hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp trong việc giám sát mới mang lại hiệu quả.

Các tin khác