Không thể nhận trách nhiệm rồi thôi

(ĐTTCO) - Qua 2 ngày chất vấn với các Bộ trưởng các Bộ NN-PTNT, Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Y tế (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư hôm nay bắt đầu trả lời chất vấn), có thể thấy các bộ trưởng đã nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực mình quản lý. 
Không thể nhận trách nhiệm rồi thôi
Phần trả lời của các bộ trưởng đã khá thẳng thắn, nhận trách nhiệm và đề ra hướng khắc phục của ngành trong thời gian tới. Tuy nhiên, dường như đọng lại sau tất cả các câu hỏi cốt lõi vẫn lơ lửng: Bao giờ những tồn tại đó mới chấm dứt?

Chẳng hạn câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, “hết trồng lại chặt” diễn ra nhiều năm nhưng các giải pháp khắc phục vẫn chưa có lộ trình cụ thể. Và đến nay toàn xã hội lại phải vào cuộc chung tay giải cứu từ dưa hấu, hành tím… cho đến thịt heo. Cuộc sống của người sản xuất, đặc biệt là nông dân bị ảnh hưởng nặng nề. 

Cung lớn hơn cầu, trong khi 3 khâu sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường mới làm được 1 khâu đầu, còn 2 khâu sau rất yếu, đã khiến thách thức với người đứng đầu ngành nông nghiệp rất lớn. Để giải quyết, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, bộ sẽ có trách nhiệm rà soát lại từ quy hoạch, chiến lược phát triển gắn với thị trường rõ hơn. Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan của Trung ương và địa phương, các thành phần kinh tế để phục vụ cho phát triển hàng hóa từng bước bền vững. 

Vẫn là những phát biểu chung chung, không có các cảnh báo về dư thừa; cung vượt cầu khi xuất khẩu khó khăn, trong khi không có giải pháp đột phá… đã khiến một số đại biểu Quốc hội sau khi nghe chất vấn đã tranh luận gay gắt, cho rằng nếu không có biện pháp cụ thể được mùa, mất giá vẫn xảy ra. Thậm chí, có đại biểu còn đề nghị người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết trong tương lai những mặt hàng nào sẽ dư thừa để người dân được biết và chuẩn bị.

Dù người đứng đầu nhận trách nhiệm khi để xảy ra việc “cấp phép hơn 300 bài hát quen thuộc là sai sơ đẳng”, nhưng câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng chưa làm rõ được ngọn nguồn của cái sai: yếu tố con người. Trong khi chính báo cáo của bộ này đã thẳng thắn chỉ ra 3 hạn chế cơ bản của lĩnh vực quản lý hoạt động văn hóa đều xoay quanh năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Đó là tư duy quản lý lạc hậu, nặng về cấp phép xin - cho, không kịp thời nắm bắt các văn bản của pháp luật. Nói như đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), trong số các giải pháp bộ này đưa ra để chấn chỉnh không có nội dung nào liên quan trực tiếp đến "thanh lọc, xử lý yếu tố con người". Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng đất nước hòa bình, thống nhất hơn 40 năm, việc quản lý nhà nước về ca khúc là cần thiết nhưng việc Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch mới nói là đang tìm biện pháp, khiến đại biểu “hết sức lo âu”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đối mặt với hàng loạt câu hỏi hóc búa của ngành lâu nay chưa có lời giải đáp, như tình trạng bán thuốc không cần kê đơn của bác sĩ, trục lợi bảo hiểm y tế, chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế, giảm tải bệnh viện… Bên cạnh cam kết sẽ giảm tải vào năm 2020, nhiều câu trả lời của tư lệnh ngành y tế vẫn chưa thỏa mãn, khiến nhiều đại biểu bức xúc tranh luận lại.
"Việc trang thiết bị y tế mau hỏng, đắp chiếu là không thể chấp nhận. Bộ trưởng đã trình bày nhưng chưa chỉ rõ tại sao, giải pháp là gì" - đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận). Hay như thừa nhận ý kiến về tình trạng bán thuốc không cần kê đơn là “xác đáng”, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ cho biết: “Đây là yếu kém của ngành, chúng tôi nhận trách nhiệm”, và cho hay đội ngũ thanh tra vấn đề này còn yếu khi cả nước chưa đến 300 người.

Kết thúc phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, có 43 ý kiến đặt câu hỏi, 11 đại biểu tranh luận lại; với Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch con số lần lượt là 32 và 11; Bộ trưởng Bộ Y tế tương ứng 49 và 13. Những con số biết nói đó cho thấy để trả lời thuyết phục khi chất vấn không chỉ đơn thuần hỏi-đáp như trước, mà đã trở nên thực chất hơn. Qua hoạt động chất vấn, vai trò giám sát, phản biện của Quốc hội sẽ được nâng lên cũng như sẽ thể hiện mức độ tín nhiệm của cơ quan hành pháp, đặc biệt khi Chính phủ đang xây dựng Chính phủ kiến tạo. Vì thế, đại biểu, cử tri đang ngày càng đòi hỏi cao hơn ở các trưởng ngành chịu trách nhiệm ở cả lời nói và thực hiện, nhằm giải quyết các tồn tại ở ngành đã được Nhân dân trao phó quyền lực.

Thẳng thắn, tâm huyết và cùng tranh luận trên tinh thần xây dựng, trí tuệ để tìm ra giải pháp, lối đi cho các vấn đề nóng của đất nước chính là kỳ vọng của cử tri trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này. Đó cũng chính là những đổi mới của hoạt động nghị trường. Nhưng quan trọng hơn, các bộ trưởng, trưởng ngành ngoài việc không né tránh trách nhiệm, cần phải thực hiện nghiêm túc lời hứa, thể hiện đúng tinh thần Chính phủ phục vụ người dân thông qua giải quyết các kiến nghị của cử tri, bảo đảm đáp ứng yêu cầu mong đợi của cử tri.

Các tin khác