Không chỉ là chuyện xin lỗi

Bên cạnh đó, việc quy định 2 cách tính diện tích căn hộ trong Thông tư 16 cũng khiến nhiều người dân mua nhà bị “móc túi” hàng ngàn tỷ đồng vì phải trả tiền cho cả diện tích thuộc sở hữu chung như hộp kỹ thuật, tường chung, cột chịu lực…

Tuần qua, tranh cãi về tính hợp lý của Thông tư 16 của Bộ Xây dựng về cách tính diện tích căn hộ đã lên tới đỉnh điểm khi đa số ý kiến tại phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức đều cho rằng việc Bộ Xây dựng ban hành thông tư này là không đúng thẩm quyền.

Bên cạnh đó, việc quy định 2 cách tính diện tích căn hộ trong Thông tư 16 cũng khiến nhiều người dân mua nhà bị “móc túi” hàng ngàn tỷ đồng vì phải trả tiền cho cả diện tích thuộc sở hữu chung như hộp kỹ thuật, tường chung, cột chịu lực…

Trước đó, Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Xây dựng xử lý nội dung "cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư" trong Thông tư 16 vì chưa phù hợp với quy định pháp luật. Cục Kiểm tra văn bản cho rằng, cách tính diện tích sàn căn hộ theo tim tường trong Thông tư 16 sẽ xảy ra trường hợp cùng một diện tích ghi trong hợp đồng mua nhà, cùng một đơn giá nhưng các hộ sẽ có diện tích sử dụng thực tế khác nhau.

Những căn hộ có cột, hộp kỹ thuật thì cột, hộp này cũng được tính trong tổng diện tích căn hộ. Chủ căn hộ phải trả tiền cho diện tích cột, hộp này nhưng lại không được sử dụng. Diện tích sử dụng thực tế nhỏ hơn căn hộ không có cột, hộp kỹ thuật. Như vậy đã tạo ra bất bình đẳng giữa các chủ sở hữu căn hộ chung cư. Hơn nữa, một hệ lụy khác là chủ các căn hộ này phải trả các khoản thuế, phí, hàng tháng, hàng năm tính theo diện tích căn hộ cho các dịch vụ có liên quan trong suốt quá trình sử dụng căn hộ đó.

Mọi việc tưởng đã rõ ràng khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 03 sửa đổi cách tính diện tích căn hộ của Thông tư 16, theo đó sẽ tính diện tích căn hộ bằng phương pháp thông thủy, toàn bộ cột, tường không tính vào diện tích nhà! Nhiều ý kiến cho rằng, sự bất hợp lý của Thông tư 16 đã gây thiệt hại lớn cho người dân, và cơ quan ban hành văn bản này là Bộ Xây dựng cần có trách nhiệm, cần có lời xin lỗi với dân.

Tuy nhiên, bất chấp dư luận và ý kiến của nhiều cơ quan chức năng, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm rằng việc ban hành Thông tư 16 là hoàn toàn đúng thẩm quyền và không có gì sai.

Thậm chí, tại cuộc họp báo sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 tổ chức cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam lớn tiếng khẳng định: “Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16 đúng thẩm quyền, hợp lý. Vì thế không có chuyện phải xin lỗi!”.

Ông Nam cho rằng, việc hướng dẫn 2 cách tính diện tích căn hộ theo Thông tư 16 được căn cứ vào thực tiễn, thông lệ trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, thực tế cũng có một số doanh nghiệp không minh bạch khi hợp đồng ghi không rõ ràng, cố tình áp dụng không đúng nên xảy ra tranh chấp với người mua nhà.

 Chuyện đến như vậy mà vẫn nhận là làm đúng thì quả là hiếm gặp. Nếu Bộ Xây dựng không quy định cách tính diện tích từ tim tường trong Thông tư 16 thì doanh nghiệp căn cứ vào đâu để bắt người mua trả tiền cho cả phần sở hữu chung? Trên thực tế, người dân khi có nhu cầu mua chung cư thường nhận được bản dự thảo hợp đồng theo mẫu (do chính Bộ Xây dựng đưa ra trong Thông tư 16), nên buộc phải đồng ý các điều khoản do bên bán nêu ra chứ đâu có chuyện được thỏa thuận.

Hơn nữa, nếu Thông tư 16 không sai thì tại sao lại có Thông tư 03 để sửa đổi, cắt bỏ đi cách tính diện tích từ tim tường, chỉ giữ lại cách tính theo thông thủy (diện tích sàn)? Theo ông Nam, Thông tư 03 sửa đổi chỉ còn một cách tính diện tích căn hộ theo thông thủy để thống nhất, đồng thời giúp người dân có lợi. Đây quả là cách giải thích lạ, bởi nếu là vì lợi ích của người dân thì tại sao trước đó không đưa ra quy định thống nhất tại Thông tư 16, mà đợi tới khi người dân bị thiệt hại cả ngàn tỷ đồng mới tính tới?

Một điều đáng nói khác là Thông tư 03 sẽ có hiệu lực từ ngày 8-4-2014, các hợp đồng mua chung cư trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành không được hồi tố. Như vậy, việc lãnh đạo Bộ Xây dựng không thừa nhận Thông tư 16 có sai sót là có thể hiểu được. Bởi nếu thông tư này sai, thì sẽ phải “sửa sai”, và trách nhiệm bồi thường Nhà nước lên tới hàng ngàn tỷ đồng liệu Bộ Xây dựng có gánh nổi? Tới đây thì câu chuyện không chỉ dừng lại ở lời xin lỗi.

Người dân đã bị mất tiền oan cần có sự công bằng và cách đối xử sòng phẳng chứ không thể chỉ là lời nói suông. Nếu Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục cách giải thích không thỏa đáng như vừa qua, các cấp có thẩm quyền cao hơn cần vào cuộc làm rõ, có biện pháp xử lý hậu quả phát sinh để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Các tin khác