Kết nối phát triển và nguy cơ tụt hậu

(ĐTTCO)-Phó tỉnh trưởng cùng giám đốc du lịch, giám đốc văn hóa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai trong cuộc tiếp các nhà báo Việt Nam mới đây tại dinh tỉnh trưởng, đã trao đổi thẳng thắn những vấn đề liên quan đến phát triển du lịch địa phương; sự kết nối giữa du lịch Việt Nam - Thái Lan, du lịch cộng đồng ASEAN. Tỉnh Chiang Mai được coi là đầu cầu, là trung tâm của khu vực 10 tỉnh phía Bắc nước Thái; là cố đô Thái Lan cách đây hơn 700 năm, địa phương lớn thứ 2 Thái Lan, sau thủ đô Bangkok về dân số, diện tích, du lịch, tiềm năng phát triển kinh tế.

(ĐTTCO)-Phó tỉnh trưởng cùng giám đốc du lịch, giám đốc văn hóa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai trong cuộc tiếp các nhà báo Việt Nam mới đây tại dinh tỉnh trưởng, đã trao đổi thẳng thắn những vấn đề liên quan đến phát triển du lịch địa phương; sự kết nối giữa du lịch Việt Nam - Thái Lan, du lịch cộng đồng ASEAN. Tỉnh Chiang Mai được coi là đầu cầu, là trung tâm của khu vực 10 tỉnh phía Bắc nước Thái; là cố đô Thái Lan cách đây hơn 700 năm, địa phương lớn thứ 2 Thái Lan, sau thủ đô Bangkok về dân số, diện tích, du lịch, tiềm năng phát triển kinh tế.

 

Tại cuộc trao đổi, một nhà báo trong đoàn nêu thế mạnh du lịch của thành phố hoa Đà Lạt, thành phố biển Vũng Tàu của Việt Nam, các vị chủ nhà thẳng thắn trả lời: Chúng tôi ít thông tin về Đà Lạt và Vũng Tàu. Đà Lạt là thành phố ngàn hoa, thành phố sương mù như các bạn vừa nói, tại sao Chiang Mai của chúng tôi và Đà Lạt của các bạn không kết nối với nhau để thúc đẩy sự phát triển chung? Chúng tôi có thế mạnh du lịch cao nguyên, du lịch sinh thái núi và rừng, du lịch nghỉ dưỡng. Vũng Tàu là du lịch biển với những bãi tắm cát vàng tuyệt vời như thế, tại sao chúng ta không liên kết lại, cùng hợp tác để đi lên?

Câu chuyện giữa chúng tôi cứ thế dẫn dắt, với bao bài học sinh động về cách làm du lịch, cách kết nối du lịch với văn hóa của người Thái. Chủ nhà nêu ý kiến khá lý thú: “Chiang Mai có một nền văn hóa đặc sắc và rực rỡ. Đối với Chiang Mai, làm du lịch là làm văn hóa, quảng bá một nền văn hóa bản sắc đến với du khách. Văn hóa mà không kết lại với du lịch, văn hóa ấy khó mở rộng và lan tỏa”. Công viên Hoàng gia - Chiang Mai là một biểu tượng sinh động của sự kết nối du lịch và văn hóa tầm cỡ khu vực và thế giới. Chiang Mai đã dành quá nửa diện tích khu công viên rộng lớn này để giới thiệu văn hóa nước Thái suốt chiều dài hơn 700 năm; giới thiệu những nét riêng văn hóa các quốc gia trên thế giới, trong đó có “Ngôi nhà Việt Nam”.

Khi biết người Chiang Mai có rất ít thông tin về Đà Lạt, Vũng Tàu và tiềm năng du lịch các địa phương khác của Việt Nam, các nhà báo trong đoàn công tác giật mình. Té ra việc thông tin, quảng bá du lịch và văn hóa Việt Nam ra thế giới của ta còn ít ỏi, quá nhiều khoảng trống. Thật đáng tiếc, hình ảnh thực tế “Ngôi nhà Việt Nam” đang hiện hữu trong Công viên Hoàng gia - Chiang Mai có quá nhiều khiếm khuyết, chẳng có nét riêng “biểu tượng văn hóa Việt”.

Sau đó, khi chúng tôi đến thăm Công viên hoa và cây cảnh Hoàng gia, một nhà báo tỉnh Lâm Đồng giới thiệu về các Festival hoa Đà Lạt, nữ giám đốc Kinh doanh - Tiếp thị Công viên Hoàng gia tỏ ra ngạc nhiên, vì bà có rất ít thông tin về các loài hoa Đà Lạt cũng như lễ hội (Festival) Đà Lạt. Bà đề nghị Festival hoa Đà Lạt tổ chức vào cuối năm 2017, nên mời Công viên Hoàng gia Chiang Mai tham dự và trưng bày các loại hoa đẹp của Chiang Mai. Ngược lại, tỉnh Chiang Mai có thể nhập các loài hoa đẹp của Đà Lạt về trồng ở Công viên Hoàng gia.

Để tạo lập các mối liên kết để Chiang Mai và các địa phương khác đến với nhau như trong một cộng đồng, mái nhà chung - theo tinh thần Cộng đồng ASEAN, các quan chức chính quyền, du lịch và báo chí Chiang Mai đều cho rằng: Đã đến lúc cần có một đường bay thẳng từ Chiang Mai đến Hà Nội và TPHCM, TP Đà Nẵng. Sự kết nối - bao gồm cả việc mở tour, mở tuyến du lịch sẽ hiệu quả và thành công.

Đến thăm gần chục cơ sở du lịch của người Thái ở Chiang Mai, cơ sở nào cũng phát triển bài bản, quy mô và chuyên nghiệp, lượng du khách đến tham quan đông đảo. Sản phẩm du lịch - văn hóa thật đa dạng, phong phú, nhiều sự lựa chọn. Cảm giác và ấn tượng mạnh mà chúng tôi cảm nhận được từ người Thái khi gặp gỡ, tiếp xúc với giới chức, doanh nhân, truyền thông, như chính cố vấn cao cấp về báo chí và thương mại Thái Lan, ông Bandhit Rajavadhanin đã nói: “Thái Lan cần nhanh chóng đến Việt Nam, bởi trong tương lai gần chính Việt Nam - đất nước đang hướng tới 100 triệu dân - là đối thủ cạnh tranh chủ yếu về kinh tế, thương mại của nước Thái. Nếu chậm chân, người Thái sẽ trắng tay”.

Một lời nhận xét và tầm nhìn dự phóng, có thể nói quá tinh tường. Gần đây, hàng loạt sự kiện trong hoạt động kinh tế - thương mại của các doanh nhân, các đại gia Thái ở Việt Nam cho thấy người Thái đang chạy đua với thời gian. Nhiều siêu thị bán lẻ ở Việt Nam đã nhanh chóng rơi vào tay quản lý của người Thái là một ví dụ. Trong nửa đầu năm 2016, đã diễn ra nhiều cuộc hội chợ, hội thảo và quảng bá du lịch, thương mại của người Thái tại Hà Nội, TPHCM. Từ đó, ta phần nào thấy được sự nhanh chân, năng động “chiếm lĩnh thị trường” của người Thái, càng cảm nhận sự chậm chân, khoảng trống nhận thức và quảng bá của các doanh nhân và giới chức Việt về thương mại, du lịch, văn hóa...

Các tin khác