Hướng đi mới cho ĐBSCL

(ĐTTCO)-Các tỉnh ĐBSCL vừa trải qua một năm tương đối được mùa và trúng giá lúa gạo, trong khi cá tra xác lập kỷ lục giá bán vượt qua ngưỡng 30.000 đồng/kg. Đó là 2 gam màu sáng trong năm qua của vùng đất mà nông nghiệp được xem là “bà đỡ an sinh xã hội” cho người dân trong vùng.
Hướng đi mới cho ĐBSCL
Song, ĐBSCL lại đối diện nhiều thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH) với nhiều hình thái thời tiết cực đoan, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.

Năm qua, ĐBSCL đối diện với lũ lớn sau nhiều năm vắng bóng. Lũ lớn kết hợp triều cường gây thiệt hại nặng cho nông dân trồng lúa, làm xáo trộn sinh hoạt của hàng triệu người dân trong vùng. ĐBSCL lâu nay được xem là vùng đất trù phú được bồi bổ phù sa từ dòng Mê Công. Thế nhưng, điều này đang hoàn toàn thay đổi: Phần lớn lượng phù sa nằm lại ở các đập thủy điện trên dòng Mê Công.

Hệ lụy kéo theo là tình trạng sụp lún, sạt lở đất lan nhanh và khốc liệt hơn. Mùa khô đối diện với hạn - mặn, mùa mưa gánh chịu lũ lụt, dông lốc. Trong bối cảnh đó, nhìn lại Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH”, ban hành ngày 17-11-2017, được xem là cứu cánh để giảm những rủi ro do thiên tai gây ra và tạo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng.

Ngân hàng Thế giới chỉ ra 2 “điểm liệt” đối với nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải là “chi phí cao, chất lượng thấp” khiến tình trạng “giải cứu nông sản” thường xảy ra ở nhiều nơi, trên nhiều loại nông sản khác nhau.

Nếu ĐBSCL “loay hoay” với sản xuất theo kiểu tăng diện tích, tăng sản lượng mà không chú trọng đến chi phí sản xuất, chất lượng nông sản, phát huy công nghệ bảo quản, chế biến, phát triển thị trường thì nông nghiệp sẽ rơi vào bế tắc và người nông dân không thể thoát ra khỏi rủi ro.
Do vậy, cần sớm hiện thực hóa Nghị quyết 120/NQ-CP, thành kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với đặc trưng và điều kiện của vùng. Đó là, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Một trong những thành phần vô cùng quan trọng để hiện thực hóa quan điểm chính là đội ngũ chuyên gia và nhà khoa học từ các viện, trường cùng nối kết với cộng đồng doanh nghiệp để dẫn dắt người nông dân. 
Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra “Tư duy sản xuất” lấy sản lượng là mục tiêu, nhưng trong kinh tế học thì sản lượng không đồng nhất với lợi nhuận. “Tư duy sản xuất” bán nông sản thô; bán nông sản trên đồng, trong vườn; “bán cái chúng ta làm ra - cái chúng ta có”... Còn “tư duy kinh tế” lấy giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng làm mục tiêu; tạo ra nhiều dòng sản phẩm chế biến từ một loại nông sản nào đó; bán hàng thông qua thương mại điện tử, công nghệ số, bán “cái thị trường cần”.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, mong muốn: “Làm sao tư duy kinh tế đó đến được xã hội, đến được người nông dân ít nhiều đang bị biệt lập với những điều hàn lâm đó”! Lo lắng của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng là nỗi lo chung của ĐBSCL: “Làm sao để nông dân tiếp cận với nền nông nghiệp 4.0 một cách hiệu quả nhất, cần tạo ra nhiều kênh thông tin để đưa công nghệ “về làng”. Rồi sẽ có những doanh nghiệp khởi nghiệp dựa vào những tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ ngay trên làng quê và từ những người nông dân”.
Hơn bao giờ hết, ĐBSCL cần tiếp cận nhanh tư duy kinh tế và phải được dẫn dắt bởi cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia nhiệt thành của các nhà khoa học. Để làm được điều đó, đòi hỏi có một cơ chế điều phối cấp vùng trong điều kiện còn rất nhiều điều băn khoăn, lúng túng về cơ chế! Nên chăng cần hình thành một thiết chế với tên gọi “hiệp hội cho từng ngành hàng chủ lực” ở ĐBSCL.
Đây chính là tổ chức đa thành phần, có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý chuyên ngành và người nông dân. Từ những hiệp hội ngành hàng như vậy, ĐBSCL nối kết được sức mạnh, giúp lan tỏa “tư duy kinh tế” đến người sản xuất và sẽ có những khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ phù hợp với thực tiễn của vùng từ những kinh nghiệm và cách làm.

Các tin khác