Hoang mang thực phẩm độc hại

(ĐTTCO) - Có lẽ, chưa bao giờ việc đi chợ lại trở nên khó khăn với người nội trợ như hiện nay, khi người tiêu dùng nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn: thịt có chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, trái cây tắm trong hóa chất độc hại… 
Hoang mang thực phẩm độc hại

Người tiêu dùng còn bị khủng hoảng niềm tin khi liên tiếp tiếp nhận thông tin về những lần cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm tẩm hóa chất, thực phẩm nhập lậu, đặc biệt là vụ trộn than pin với phế phẩm cà phê đang gây xôn xao dư luận mới đây.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay các cơ quan chức năng trong cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 159.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện hơn 31.000 cơ sở vi phạm, xử phạt với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng.

Ngoài xử phạt hành chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động 72 cơ sở; đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm; 231 cơ sở phải khắc phục về nhãn mác và 1.590 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc hết hạn sử dụng...
Thông tin từ Bộ Y tế cũng cho biết, 4 tháng qua cả nước xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 502 người nhập viện, trong đó có 3 người tử vong. Còn năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người bị ngộ độc. Nguyên nhân một phần do sử dụng sản phẩm bẩn, sản phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.
Một đất nước có đầy đủ các bộ ngành, cục vụ được giao nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của nhân dân, cùng với quyền lực là các loại trang thiết bị hiện đại, không hiểu sao người dân lại bị bao vây tứ phía bởi các loại thực phẩm bẩn liên tiếp xảy ra. Điều này chưa có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù dư luận phản đối, phẫn nộ. Đó là măng tươi được ngâm trong chất tẩy độc hại, thịt heo thối rữa biến thành thịt tươi do ngâm hóa chất, đậu phụ làm từ thạch cao, chả lụa có hàn the, hay các loại trái cây như chuối, cam, táo… để cả tháng trời không hề hư hỏng nhờ ngâm, bơm hóa chất. Thực tế này chỉ ra sự lỏng lẻo trong quản lý hóa chất, đặc biệt những chất độc.
Theo số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trong 5 năm qua mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta nhập tới 4.100 loại thương phẩm khác nhau thuộc 1.643 hoạt chất hóa học để sản xuất thuốc trừ sâu. Cùng với đó, nhiều loại hóa chất cấm vẫn được nhập lậu như Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitos, Kelthane… Trong khi đó ta lại chưa có những máy móc hiện đại có thể kiểm tra hết được 4.100 thương phẩm hóa học sử dụng trong nông nghiệp. 
Trước khi Luật An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2010 có hiệu lực, việc quản lý ATTP được phân chia theo từng công đoạn: Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) quản lý khâu sản xuất, Bộ Công Thương quản lý khâu lưu thông, Bộ Y tế quản lý khâu chế biến. Luật ATTP 2010 ra đời đã chuyển đổi quản lý nhà nước về ATTP theo chuỗi sản phẩm và nhóm ngành nghề, thông suốt từ khâu trồng trọt, chế biến, lưu thông, kinh doanh.
Theo đó, tại Bộ Y tế, Cục ATTP được thành lập để giúp bộ này thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP. Tại Bộ Công Thương, công tác quản lý ATTP giao cho Vụ Khoa học - Công nghệ làm đầu mối, ngoài ra còn có Cục Quản lý thị trường. Còn Bộ NN-PTNT bao quát toàn bộ quá trình sản xuất nông lâm thủy sản, công tác quản lý chất lượng, vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản. 
Chính điều này lại tạo ra nhiều kẽ hở và chồng chéo. Một số ngành hàng đang có sự đan xen và không phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm. Sự chồng chéo này gây khó khăn, phiền phức cho công tác thanh, kiểm tra về ATTP, gây trở ngại cho cả người thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Và khi xảy ra vi phạm lại đùn đẩy trách nhiệm, không đơn vị quản lý nào nhận. Chẳng hạn, việc quản lý chất lượng bún đang được cả 3 bộ chịu trách nhiệm.
Nguyên liệu là bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm của Bộ NN-PTNT; sản phẩm tinh bột thuộc về Bộ Công Thương. Khi sản phẩm bún trên thị trường có chứa chất Tinopal - một loại hóa chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp được sử dụng để tẩy trắng bún gây ngộ độc cho người tiêu dùng - lại liên quan tới Bộ Y tế. Hoặc với bánh Trung thu, vỏ bánh là tinh bột do ngành công thương quản lý; nhân bánh là thịt, trứng do ngành nông nghiệp kiểm soát, còn ngành y tế quản lý phụ gia phẩm màu. 
Thực trạng nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn, độc hại không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, những con số thống kê của ngành y tế về tỷ lệ người mắc bệnh ung thư trong những năm gần đây đang gióng lên hồi chuông báo động, cần thay đổi nhận thức trong kinh doanh và sản xuất thực phẩm.
Vấn đề là dù quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan quản lý đã rất rõ trong Luật ATTP, song dường như việc xử lý vi phạm ATTP chỉ có cơ sở vi phạm bị xử phạt là chính, còn các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý liên quan trên địa bàn gần như rất ít khi bị xử lý về trách nhiệm của mình.

Các tin khác