Hiến kế khoán xe công: Theo giá thị trường

(ĐTTCO)-Chủ trương khoán xe công vừa có lợi cho ngân sách, vừa hợp lòng dân nhưng khoán cào bằng ở mức 6,5 triệu đồng/người/tháng, hoặc 16.000 đồng/km đều không ổn.

(ĐTTCO)-Chủ trương khoán xe công vừa có lợi cho ngân sách, vừa hợp lòng dân nhưng khoán cào bằng ở mức 6,5 triệu đồng/người/tháng, hoặc 16.000 đồng/km đều không ổn.

 

Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nằm ở chủ trương bắt buộc khoán xe đối với một số chức danh và kinh phí khoán. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, Trưởng các ban Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng... và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên mới được trang bị xe công.

Còn lãnh đạo là thứ trưởng, phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, phó trưởng ban của Đảng ở T.Ư, phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, phó chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, phó viện trưởng Viện KSND tối cao, phó chánh án TAND tối cao... và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên thì phải thực hiện khoán, tức là bắt buộc kinh phí đưa đón từ nơi ở đến cơ quan.

Chủ trương này rất đúng đắn, vì trong khi nguồn lực tài chính của chúng ta có hạn mà nhu cầu chi tiêu vô cùng lớn, đặc biệt bội chi ngân sách triền miên, nợ công tăng cao liên tục nên càng cần phải tiết kiệm, siết chặt từng khoản chi. Tuy nhiên, trước kia, chúng ta thực hiện cơ chế khuyến khích khoán xe công, kết quả thì sao?

Chỉ có một vài vị lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội đăng ký khoán thời gian đầu, sau đó tất cả lại quay lại xin xe công để đi. Trong giai đoạn chuyển đổi, Bộ Tài chính tiên phong thực hiện việc khoán chi phí xe cho 6 thứ trưởng, sau đó nhân rộng ra các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Kết quả tiết kiệm được nhiều tỉ đồng cho ngân sách. Do đó, cơ chế khoán phải được luật hóa một cách bắt buộc.

Khoán cho từng người và theo ki lô mét thực tế

Về kinh phí khoán, dự thảo Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án. Thứ nhất, khoán theo cây số thực tế di chuyển nhưng mức giá 16.000 đồng/km là không hợp lý, khi giá taxi trên thị trường cũng chỉ cao nhất 12.000 đồng/km. Mức khoán này cao hơn giá thị trường 30%. Theo giải thích của ông Cục trưởng Cục Quản lý công sản, việc khoán cao hơn chi phí thị trường để khuyến khích các lãnh đạo thực hiện theo.

Tuy nhiên, cách giải thích, tính toán này chưa thuyết phục. Đối với lãnh đạo là các thứ trưởng, cấp tương đương đều thuộc thành phần lãnh đạo cấp cao, mà đã là cấp cao thì càng cần phải làm gương chia sẻ tiết kiệm với người dân trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Cho nên không phải khuyến khích để cho thêm mà những đối tượng như vậy càng phải gương mẫu, đồng cam cộng khổ với người dân.

Mức giá cần phải được tính toán sát với thị trường và cần có sự điều chỉnh theo sự biến động chỉ số giá tiêu dùng hoặc giá xăng, dầu. Cụ thể, có thể điều chỉnh khi có sự biến động cao chỉ số giá tiêu dùng hoặc khi giá xăng dầu tăng mạnh. Đối với bất cứ phương án nào đã tính toán hợp lý thì phải hợp lý cho đến cùng, không nên ưu ái, bởi như vậy sẽ tạo ra sự bất công trong xã hội, vì bản thân là lãnh đạo cấp cao cũng có nhiều chế độ được hưởng rồi.

Thứ hai, dự thảo đề xuất khoán 6,5 triệu/người/tháng một cách cào bằng sẽ gây ra sự bất bình đẳng khi người có nhà ở xa cơ quan thì bị thiệt, người có nhà ở gần cơ quan lại được lợi. Vừa qua, Bộ Tài chính đã khoán cho từng lãnh đạo, người 9 triệu, người 6 triệu... căn cứ trên cung đường thực tế của từng người là công bằng và hợp lý, tại sao lại không tiếp tục làm như vậy.

Phương án này rất hiệu quả, sát thực tế vì một người không thể trong 1 năm đổi nhà liên tục, mà nếu có cũng rất ít. Cách tính đó đảm bảo sự công bằng, hợp lý, thỏa đáng cho từng đối tượng, còn cứ tính bình quân cào bằng tạo sự không hợp lý, bất công.

Bên cạnh đó, khi chính sách khoán xe được thực thi sẽ có rất nhiều xe công dôi dư, phải có chính sách đảm bảo công ăn việc làm, chế độ an sinh xã hội cho đội ngũ lái xe. Đặc biệt, việc thanh lý xe công cần phải được làm một cách công khai, minh bạch, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện tại cả nước đã thanh lý hơn 1.100 chiếc, còn hơn 2.000 chiếc xe dư thừa hoặc phải thanh lý nhưng các địa phương và bộ ngành chưa báo cáo hết số lượng. Chi phí nuôi mỗi xe công một năm là 320 triệu đồng, gồm xăng xe, khấu hao, lái xe… Trong số hơn 1.100 xe đã thanh lý, có hơn 760 xe đã được báo cáo nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Bình quân xe thanh lý là 46,2 triệu đồng/xe.

Cần nói thêm, mức giá 46,2 triệu đồng/xe là quá thấp, quá rẻ. Cần xem xét lại vấn đề này một cách thực chất, không để xảy ra sự thất thoát tiền của ngân sách. Khi thanh lý cần dựa theo giá thị trường, chất lượng còn lại của xe và phải có sự thông báo rộng rãi, đấu giá công khai, minh bạch. Đất nước chúng ta là nền kinh tế chuyển đổi, đang tiến hành mạnh mẽ cổ phần hóa, thanh lý tài sản của nhà nước, làm không thận trọng sẽ gây thất thoát lớn.

PGS-TS Ngô Trí Long

Các tin khác