Hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc

Mặc dù cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam từ năm 2012 tới nay đã có nhiều cải thiện, thậm chí một số thời điểm chúng ta đã xuất siêu, nhưng riêng với thị trường Trung Quốc nhập siêu vẫn là vấn đề lớn đối với kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông đang diễn biến phức tạp, câu hỏi làm thế nào để Việt Nam hạn chế được nhập siêu từ Trung Quốc lại được nhiều người nhắc tới.

Mặc dù cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam từ năm 2012 tới nay đã có nhiều cải thiện, thậm chí một số thời điểm chúng ta đã xuất siêu, nhưng riêng với thị trường Trung Quốc nhập siêu vẫn là vấn đề lớn đối với kinh tế Việt Nam.

 Suốt hơn 10 năm qua, nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc luôn chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng nhanh liên tục trong tổng nhập khẩu và nhập siêu của cả nước. Từ năm 2010 đến nay, nhập khẩu từ Trung Quốc thường chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm và nhập siêu từ Trung Quốc luôn lớn hơn tổng nhập siêu cả nước cùng thời điểm so sánh.

Năm 2013, thị trường Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lên tới 50,2 tỷ USD (tăng 22% so với năm 2012).

Trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 13,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 7% so với năm 2012. Năm 2013 Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 36,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước và tăng mạnh so với năm 2012 (khoảng 28,4%). Như vậy, chỉ tính riêng năm 2013 chúng ta đã nhập siêu 23,6 tỷ USD từ Trung Quốc.

 Từ nhiều năm qua, vấn đề hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc đã được đặt ra nhưng thực tế tới nay vẫn chưa có nhiều cải thiện. Một số ý kiến cho rằng Việt Nam đang trong quá trình phát triển nên buộc phải chấp nhận xu hướng trên.

Một trong những lý do chính dẫn đến nhập siêu từ Trung Quốc tăng là do nhiều chủng loại vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị... phục vụ cho đầu tư xây dựng và cho sản xuất, trong đó kể cả cho gia công để xuất khẩu, chúng ta vẫn phải nhập khẩu, nhất là trong ngành dệt may, da giày, điện tử, năng lượng. Với lợi thế giá rẻ, chi phí vận tải thấp, những loại hàng hóa này của Trung Quốc có khá nhiều lợi thế xâm nhập thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này còn tiếp tục kéo dài, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ bị thua thiệt rất nhiều. Thực tế hiện nay hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam đang bị lệ thuộc vào việc nhập khẩu hàng trung gian từ Trung Quốc.

Việc nhập siêu quá nhiều từ một nước không chỉ dẫn đến nguy cơ bị phụ thuộc nguyên liệu, mà vô hình trung còn trở thành cầu nối xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Trung Quốc vào các thị trường khác. Một nguy cơ khác là nếu không sớm hạn chế việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cho các ngành như dệt may, da giày, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không tận dụng được lợi thế từ các cam kết hội nhập kinh tế trong thời gian tới.

Chẳng hạn, năm 2015 Việt Nam sẽ chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với nhiều ưu đãi về thuế quan. Nhưng nếu sản phẩm không đủ tỷ lệ nội khối 60% để đáp ứng quy tắc xuất xứ, thuế suất giảm cũng trở nên vô nghĩa. Hay như theo các quy định của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán, nếu hàng hóa của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ, chúng ta không thể tận dụng ưu đãi mà TPP mang lại.

Để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta cần một chiến lược tổng thể và dài hơi. Thời điểm này có thể đã muộn, nhưng nếu có quyết tâm vẫn có thể xoay chuyển được tình thế. Điều quan trọng nhất là cần một tư duy mới trong huy động nguồn lực để phát triển công nghiệp và xuất khẩu.

Theo thống kê mới đây của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình do phía Trung Quốc làm tổng thầu. Trước đó, số liệu của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội công bố, cũng cho thấy tính đến năm 2010, có đến 90% dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim.

Với tình hình đó, hàng năm chúng ta phải chi ra hàng chục tỷ USD để nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu, cũng là điều dễ hiểu. Một số chuyên gia cho rằng để hạn chế nhập siêu, chúng ta phải bớt vay vốn của Trung Quốc và phải tỉnh táo trong thu hút đầu tư, mua sắm máy móc của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cần tập trung mạnh mẽ cho công nghiệp phụ trợ để có thể tự túc được khâu nguyên liệu. Có như vậy chúng ta mới có thể giải quyết được căn cơ vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc.

Các tin khác