Hạn chế chảy máu chất xám

Ðề án 322 là minh chứng trong việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Với nguồn ngân sách hơn 2.500 tỷ đồng, đề án đã đưa 7.129 ứng viên đi đào tạo ở các cơ sở giáo dục tiên tiến tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có 3.838 tiến sĩ, 2.042 thạc sĩ, 416 thực tập sinh và 833 cử nhân.

Những năm qua, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Nhà nước đã chi ra số tiền rất lớn đưa cán bộ đi học tại những cơ sở đào tạo tốt nhất ở nước ngoài. Đây là một chủ trương đúng đắn, cấp thiết, bởi muốn xây dựng đất nước vững mạnh, tiến bộ phải phát triển đội ngũ tri thức, chuyên gia, nhà khoa học…

Ðề án 322 là minh chứng trong việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Với nguồn ngân sách hơn 2.500 tỷ đồng, đề án đã đưa 7.129 ứng viên đi đào tạo ở các cơ sở giáo dục tiên tiến tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có 3.838 tiến sĩ, 2.042 thạc sĩ, 416 thực tập sinh và 833 cử nhân.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, Việt Nam dường như bất lực trước tình trạng chảy máu chất xám. Đến nay, trong số hàng chục ngàn ứng viên đưa đi đào tạo, không biết có bao nhiêu người khi trở về còn trụ lại trong các cơ quan Nhà nước làm việc, hay không trở về mà ở lại nước ngoài phát triển sự nghiệp. Chẳng hạn, 13 nhà vô địch của Chương trình Đường lên đỉnh Olympia, đã có 12 người chọn ở lại Australia để phát triển sự nghiệp, chỉ 1 người quay về nước.

Không riêng gì sinh viên, nghiên cứu sinh ra nước ngoài học rồi định cư luôn, hiện nay đang rộ lên hiện tượng nhiều cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, khi kết thúc khóa học đã không trở về nước, chấp nhận từ bỏ con đường công danh khi về quê nhà. Mới đây, một Phó trưởng Phòng hợp tác quốc tế, Sở Ngoại vụ Cần Thơ, được cử sang Hoa Kỳ tham gia khóa đào tạo ngắn hạn đã trốn ở lại quốc gia này.

Tại tỉnh Bình Thuận, một cán bộ Trung tâm Công nghệ Thông tin, Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Thuận, đi du lịch nước ngoài rồi bỏ trốn. Thậm chí, Bộ Công Thương cũng từng xảy ra việc 2 cán bộ không trở về nước khi xong nhiệm vụ mà ở lại Hoa Kỳ. 2 cán bộ này từng là tùy viên thương mại tại Hoa Kỳ, chuyên viên Vụ Chính sách thương mại đa biên của bộ này.

Lâu nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp hô hào giữ chân nhân tài, trải thảm đỏ đón nhân tài, hỗ trợ nhân tài khi trở về nước làm việc. Nhưng đó mới chỉ là những khẩu hiệu suông, thiếu thực tế. Xét cho cùng, người tài quay lưng với quê hương, đất nước còn do chính sách thu hút nhân tài của chúng ta bộc lộ nhiều yếu kém.

Rất nhiều cán bộ sau khi đưa đi đào tạo tiến sĩ trở về đã bị bố trí vào những công việc với điều kiện hạn hẹp, không phù hợp. Điều này tạo ra độ vênh trình độ trong một số cơ quan. Thí dụ, người lãnh đạo cao nhất hoặc các chức vụ như trưởng phòng có trình độ cử nhân, trong khi người được đào tạo tiến sĩ lại cất nhắc vào vị trí chuyên viên thông thường.

Bên cạnh đó, khả năng thăng tiến bị hạn chế trong môi trường làm việc tại Việt Nam, nhất là trong các cơ quan nhà nước, cũng là một trong những bất cập của chính sách thu hút nhân tài trở về nước cống hiến. Theo nhiều chuyên gia, môi trường làm việc ở nhiều cơ quan nhà nước hiện nay quá nhiều gò bó, muốn thăng tiến phải có ô dù, phải được cơ cấu, thay vì dựa vào năng lực và tài năng.

Để có một công việc chấp nhận được, họ phải chạy chọt, đút lót như những ứng viên đào tạo trong nước. Chưa kể xin được việc rồi, nhiều người vỡ mộng do không thể phát huy được tài năng, kiến thức vì môi trường làm việc không tương xứng.

Ngoài những bất cập nói trên, du học sinh hoặc các tầng lớp trí thức còn vấp phải một rào cản về mức thu nhập khi trở về nước. Một cán bộ trong một trường đại học có tiếng ở TPHCM từng chia sẻ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ ở Australia trở về trường công tác, mức lương nhà trường trả chỉ tròm trèm 4 triệu đồng/tháng.

Với đồng lương còm cõi như vậy, cán bộ trẻ này trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày đã khó, đừng nói gì đến việc nuôi con, mua nhà, sắm xe hay còn đủ tâm trí nghiên cứu khoa học hay giảng dạy. Trước đây, GS. Ngô Bảo Châu trở về nước cống hiến rõ ràng ông không đặt nặng vấn đề thu nhập, nhưng với mức lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng không thể nói nước ta đang trọng dụng nhân tài. 

Để hạn chế tình trạng chảy máu chất xám, nhiều chuyên gia cho rằng cần giáo dục tinh thần tự nguyện, tham gia xây dựng đất nước với những ứng viên, du học sinh, nghiên cứu sinh đi học tập ở nước ngoài. Nhà nước và doanh nghiệp cần có chính sách thiết thực hơn nữa trong việc ưu đãi, động viên, khích lệ những người học tập ở nước ngoài trở về.

Những chính sách đãi ngộ về vật chất, tôn vinh họ trở về chỉ là một phần, quan trọng là tạo cho họ môi trường làm việc thuận lợi và cơ hội phát triển những điều họ được học tập ở nước ngoài. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng chảy máu chất xám.

Các tin khác