Gỡ rối ma trận hành chính

Nguyên nhân của việc ngưng thi hành Thông tư 20, theo Bộ KH-CN do đến thời điểm này các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo tinh thần của Thông tư 20. Nhiều doanh nghiệp cho biết vướng mắc nằm trong các điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Thông tư 20.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) đã ký Quyết định ngưng hiệu lực thi hành Thông tư 20/2014/TT-BKHCN ngày 15-7-2014 của Bộ KH-CN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1-9-2014.

Nguyên nhân của việc ngưng thi hành Thông tư 20, theo Bộ KH-CN do đến thời điểm này các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo tinh thần của Thông tư 20. Nhiều doanh nghiệp cho biết vướng mắc nằm trong các điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Thông tư 20.

Thực ra ngay khi Thông tư 20 còn là dự thảo để lấy ý kiến, nhiều doanh nghiệp đã cảnh báo những khó khăn gặp phải nếu thông tư đi vào thực tiễn. Tuy nhiên những ý kiến này chỉ được “tham khảo” rồi để đó, thông tư vẫn được ban hành theo ý chí chủ quan của cơ quan chức năng. Dù sao, trước nhiều bất cập thực tế, cơ quan ban hành thông tư cũng đã kịp thời ra quyết định ngưng thi hành. Đây đang được xem là quyết định đúng lúc, rất đáng hoan nghênh.

Trước đó, ngày 25-8-2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều trong 7 thông tư của chính bộ này ban hành trước đó để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế. Trong đó có những điểm được nhiều doanh nghiệp rất quan tâm, như bỏ mức khống chế 1 tỷ đồng về tài sản cố định, máy móc đối với doanh nghiệp mới thành lập để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

Theo đó, doanh nghiệp mới thành lập có thực hiện đầu tư theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có dự án đầu tư không thuộc đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhưng có phương án đầu tư được người có thẩm quyền của doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt vẫn thuộc đối tượng đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải gửi thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Đây được xem là tin vui với cộng đồng doanh nghiệp. Bởi trước đó, không ít doanh nghiệp mới thành lập từ đầu năm 2014 lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì nếu đầu tư mua sắm tài sản cố định dưới 1 tỷ đồng không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng.

Cũng trong lần đưa ra nhiều sửa đổi đáng lưu tâm này, Bộ Tài chính trình Quốc hội cho phép chỉ quy định khống chế 15% đối với chi phí quảng cáo, không khống chế các khoản chi tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Có thể nói đây cũng là điều doanh nghiệp mong chờ bấy lâu nay. Bởi trong bối cảnh đầu ra còn nhiều khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp rất cần có các hoạt động tiếp thị, khuyến mại… Nếu quy định khống chế mức 15% phải chăng quá bó buộc doanh nghiệp. Thậm chí nhiều ý kiến còn mong mức khống chế 15% dành cho quảng cáo cũng nên bỏ. Tất nhiên, điều này còn đợi sự cho phép của Quốc hội.

Việc các bộ mạnh dạn sửa đổi những thông tư bất cập đã mang đến những tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp. Cũng có ý kiến cho rằng đáng ra mọi thứ phải được sửa đổi sớm hơn. Chẳng hạn, suốt 8 tháng qua,  quy định đầu tư mua sắm tài sản cố định dưới 1 tỷ đồng không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đã khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn. Nhìn nhận một cách khách quan, dù các cơ quan quản lý có những nghiên cứu, điều tra thực tế trước khi đưa ra các văn bản pháp quy, nhưng không phải thông tư nào khi đi vào thực tiễn cũng hay, cũng tốt cho doanh nghiệp. Và việc bãi bỏ những nghịch lý này là điều hết sức đáng mừng, dù muộn vẫn còn hơn không.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, không chỉ một vài thông tư mới ban hành gần đây cần xem xét, sửa đổi mà các cơ quan chức năng cần có những động thái mạnh mẽ hơn, xem xét toàn diện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực tế có những quy định chỉ mang tính hình thức và khi muốn doanh nghiệp vẫn có thể tìm cách để lách. Tất nhiên, mọi thứ không thể tốt nếu chỉ một phía thực hiện, bản thân doanh nghiệp cũng cần quan tâm các quy định của pháp luật để hiểu và áp dụng cho đúng.

Các tin khác