Giọt nước tràn ly

Thực tế, trước những bức xúc lâu nay về một ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, sự chia sẻ của ông Takimoto Koji giống như “giọt nước tràn ly”. Bởi lẽ, trong hàng chục năm qua, đã rất nhiều lần chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam được đề ra, sửa đổi nhưng vẫn không thể phát triển được, thậm chí gần như phá sản.

(ĐTTCO) - Sự kiện ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam vừa tuyên bố các doanh nghiệp Nhật Bản đang sản xuất xe ô tô tại Việt Nam có thể thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi Việt Nam chuyển sang các nước lân cận trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, Malaysia... 

 

Ông lý giải do sự giẫm chân tại chỗ của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nhiều năm qua, cộng với việc thị trường nhỏ, chi phí cao... nên có thể 4 doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam (Toyota, Mazda, Honda, Suzuki) đang có tâm lý muốn nhập xe hơi từ các nước trong khu vực thay cho nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam vì lợi nhuận cao hơn.

 Thực tế, trước những bức xúc lâu nay về một ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, sự chia sẻ của ông Takimoto Koji giống như “giọt nước tràn ly”. Bởi lẽ, trong hàng chục năm qua, đã rất nhiều lần chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam được đề ra, sửa đổi nhưng vẫn không thể phát triển được, thậm chí gần như phá sản. 

Sau nhiều năm mở cửa, chào đón nhà đầu tư nước ngoài, ngành công nghiệp hỗ trợ được xem là nền móng cho các ngành sản xuất xe ô tô không có tiến triển gì, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 10-30%, quá thấp để có giá thành rẻ. Và để phát triển được ngành công nghiệp ô tô phải làm sao bán được nhiều sản phẩm, nhưng thị trường tiêu thụ không đáp ứng buộc giá thành phải tăng. Trong khi ô tô nhập khẩu về Việt Nam đang phải gánh rất nhiều thuế, phí, khiến giá cao vào loại nhất thế giới.

Nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua luôn có sự tăng trưởng khả quan, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Vì thế, nhu cầu sử dụng ô tô của người dân là tất yếu và cũng rất bình thường. Vậy nhưng, trong khi ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước giá vẫn còn cao, ô tô nhập về Việt Nam lại bị đánh thuế cao ngất. Thí dụ, CTCP Hyundai Thành Công Việt Nam vừa nhập về dòng xe Hyundai i10 từ Ấn Độ có giá trung bình khoảng 84 triệu đồng/xe.

Song theo đại diện Hyundai Thành Công giá bán lẻ ra thị trường dòng xe này khoảng 350-450 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm phí trước bạ, đăng ký...), do thuế nhập khẩu từ Ấn Độ với dòng xe này vẫn ở mức 70%. Chưa kể các khoản thuế, phí khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, cùng các chi phí vận chuyển, duy trì hệ thống bán hàng... nên không thể có giá thấp hơn cho khách hàng. Cơ hội mua ô tô giá rẻ của người dân xem ra còn rất xa vời.

Có nhiều lý giải về việc cùng một loại xe nhưng người Việt Nam phải mua với giá cao gấp 3-4 lần các nước khác, như ngân sách đang thiếu hụt, nên nguồn thu thuế từ ô tô là một phần bù đắp rất lớn; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, tăng thuế, phí nhập khẩu nhằm hạn chế người dân sử dụng ô tô gây tắc nghẽn giao thông…

Rõ ràng trong khi Chính phủ đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp ô tô, mong muốn người Việt Nam được tăng nhu cầu sử dụng ô tô, nhưng lại có hàng loạt chính sách hạn chế sử dụng như đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng phí trước bạ cùng nhiều loại phí khác... phải chăng là để bảo vệ ô tô sản xuất trong nước, đồng thời tăng thu cho ngân sách nhà nước, cũng như nhằm không làm gia tăng phương tiện giao thông cá nhân?

Xem ra có phần khiên cưỡng. Bởi vai trò của Nhà nước cần thể hiện ở chỗ đầu tư hạ tầng giao thông tốt lên để người dân có cơ hội sử dụng ô tô, chứ không phải đánh vào thuế, phí khiến giá xe ở Việt Nam luôn đắt đỏ quá mức.

Bên cạnh đó, chúng ta đang nỗ lực phấn đấu đưa Việt Nam thoát lạc hậu về chỉ tiêu phúc lợi xã hội, nhà ở, trở thành quốc gia giàu mạnh. Thế nhưng một trong những tiêu chí văn minh là sử dụng ô tô lại hạn chế. Chúng ta đã ở thế kỷ 21, với các nước sở hữu ô tô là bình thường. Bình quân số lượng ô tô trên 1.000 người tại các nước 80-100 xe, trong khi Việt Nam chỉ được hơn 20 xe.

Mục tiêu chúng ta phải tiến tới bằng chỉ tiêu sống của các nước trong khu vực, đó là phải tiệm cận với chỉ tiêu sở hữu ô tô, đây cũng là xu thế hội nhập. Nhưng chính sự thiếu đồng bộ về chủ trương, chính sách là nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ì ạch suốt hàng chục năm qua.

Chính sách bảo hộ cho hàng hóa nội địa là cần thiết. Song cứ cố gắng bảo hộ cho một sản phẩm chỉ nhằm kéo dài thời gian “hấp hối” của nó thì cần xem xét lại. Bởi với thực trạng hiện nay, không còn nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam phát triển, cạnh tranh với các nước trong khu vực, vốn đã đi trước hàng thập niên.

Chúng ta đã lỡ cơ hội trong ngành công nghiệp ô tô, do vậy không còn cách nào khác hãy phát huy thế mạnh sẵn có, thay vì tìm kiếm nguồn lực lớn và kỹ thuật cao để cân bằng khoảng cách trong sản xuất ô tô - điều mà chúng ta không còn thời gian để làm nữa.

Các tin khác