Giám sát cổ phần hóa

Theo nghị quyết này, đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN, Chính phủ vẫn giữ nguyên thời hạn cuối phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính là 31-12-2015. Đáng chú ý tại Nghị quyết 15, Chính phủ cho phép tập đoàn, tổng công ty, DNNN được thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra chỉ đạo mạnh mẽ về cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mới đây Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 15 về một số giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn nhà nước tại DN.

Theo nghị quyết này, đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN, Chính phủ vẫn giữ nguyên thời hạn cuối phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính là 31-12-2015. Đáng chú ý tại Nghị quyết 15, Chính phủ cho phép tập đoàn, tổng công ty, DNNN được thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Những giải pháp mạnh mẽ trên thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc đổi mới, cải cách DNNN. Thực tế CPH DNNN nhiều năm qua cho thấy đây là chủ trương đúng đắn, nhất là trong bối cảnh yêu cầu về tái cơ cấu nền kinh tế đang được đặt ra rất cấp thiết. Đẩy mạnh CPH chắc chắn sẽ đem lại động lực mới cho tăng trưởng, bởi nguồn lực của nền kinh tế sẽ được dịch chuyển từ DNNN kém hiệu quả sang DNNN hiệu quả hơn và sang khối DN tư nhân.

Điều này đã được chứng minh rất rõ trong quá trình CPH DNNN những năm qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của các DN được CPH có xu hướng tăng so với thời điểm trước sắp xếp, đổi mới, CPH. Cụ thể, theo kết quả điều tra tại 2.893/3.135 DNNN ở thời điểm 1-1-2013, có 39,6% DN sau CPH có tỷ suất lợi nhuận tăng trên 10%; 36,5% DN tăng dưới 10%; 36,5% DN không tăng, không giảm và 8,5% DN giảm.

Việc CPH 432 DN chỉ trong 2 năm 2014-2015 như mục tiêu Chính phủ đề ra là điều không dễ dàng. Ngoài những lực cản về tư duy chậm đổi mới, sức ì do nhóm lợi ích hay sự thiếu hoàn thiện của thể chế, việc đẩy nhanh tiến trình CPH trong một thời gian ngắn có thể dẫn tới nhiều hệ lụy.

Thậm chí, nếu thiếu sự giám sát chặt chẽ, chính sách có nguy cơ bị lợi dụng dẫn tới thất thoát vốn nhà nước trong quá trình CPH. Lo lắng này có cơ sở, bởi lâu nay trong vấn đề CPH DNNN, khâu định giá tài sản DN rất dễ dẫn đến sai sót và là “mảnh đất” của tham nhũng hoành hành. Những chiêu trò như định giá không đúng với giá trị thực, cố tình biển thủ tài sản không thống kê vào giá trị DN, cố tình định giá bất động sản thấp, chuyển nhượng cổ phần ưu đãi sai đối tượng đã gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng vốn nhà nước... không phải là chưa xảy ra trên thực tế.

Vì vậy, một lúc tiến hành CPH lên tới hàng trăm DN, trong đó có những tập đoàn có vốn sở hữu nhà nước đến cả tỷ USD, vấn đề tham nhũng trong quá trình CPH DNNN thời gian tới có thể xảy ra nếu không có cách làm đồng bộ.

Phân tích một trong những giải pháp Chính phủ vừa đưa ra để đẩy mạnh CPH cũng có thể thấy những nguy cơ hiển hiện. Đó là việc cho phép thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá. Đây là quy định được chờ đợi khá lâu, đang được nhiều DNNN ví von sẽ là một “phép thông công” để họ được quyền cắt lỗ mà không lo trách nhiệm làm thất thoát vốn nhà nước.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, sẽ có những trường hợp DNNN bán vốn dưới mệnh giá chẳng ai mua. Nhưng cũng sẽ có những trường hợp khoản vốn đầu tư đang rất tiềm năng và đáng được định giá cao, nhưng do được phép bán vốn dưới mệnh giá nên DN vẫn sẽ bán vốn dưới mệnh giá để móc ngoặc tư lợi.

Chính vì vậy, việc đồng loạt tiến hành CPH hàng trăm DN đang đặt ra câu hỏi, liệu Chính phủ có hoàn thành được nhiệm vụ của mình, đặc biệt những khâu dễ xảy ra thất thoát tài sản? Thực tế cho thấy khiếm khuyết lớn nhất hiện nay chính là bộ máy tổ chức thực hiện việc CPH DNNN chưa ổn, không có cơ quan chung về vấn đề này. Đặc biệt, công tác giám sát tiến trình CPH còn nhiều bất cập.

Để hạn chế sai phạm, tránh thất thoát tài sản nhà nước và đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động trong quá trình CPH, không chỉ Chính phủ mà cả Đảng và Quốc hội cũng cần phải ra nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, từ đó dẫn dắt đồng bộ cả về mặt tổ chức, giải pháp.

Bên cạnh đó, cần có hệ thống giám sát chặt chẽ từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để bịt những “lỗ hổng” trong công tác CPH. Một vấn đề gốc rễ khác là cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN theo hướng công khai và minh bạch.

Các tin khác