Giám sát chặt vốn đầu tư công

Quốc hội và Chính phủ đã phải cân nhắc rất kỹ khi điều chỉnh mức bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% GDP, đồng thời phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ - cũng chính là vay thêm tiền của xã hội để tăng đầu tư.

Chính phủ và các địa phương đang bàn các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014. Một trong những giải pháp được kỳ vọng kích hoạt tăng trưởng là tăng vốn đầu tư công cho các công trình hạ tầng trọng điểm để kích cầu đầu tư.

Quốc hội và Chính phủ đã phải cân nhắc rất kỹ khi điều chỉnh mức bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% GDP, đồng thời phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ - cũng chính là vay thêm tiền của xã hội để tăng đầu tư.

Vậy mà mới đây, người dân và báo chí đã lên tiếng về những dấu hiệu bất thường trong thi công dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây từ nguồn vốn đầu tư công. Qua điều tra, báo chí khẳng định đây là một vụ rút ruột công trình khá nghiêm trọng.

Hiện Bộ GT-VT đã vào cuộc điều tra vụ việc này. Dự án TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là công trình đường cao tốc được thiết kế với tốc độ lưu thông 120km/giờ theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu chất lượng thi công không bảo đảm, chắc chắn để lại hậu quả nghiêm trọng khi công trình đưa vào sử dụng.

Thực tế, đây không phải là vụ rút ruột công trình đầu tiên tại dự án hạ tầng giao thông. Cách đây gần chục năm, báo chí đã phát hiện dự án Quốc lộ 18 bị bớt xét vật liệu, khi đưa vào sử dụng một thời gian những cọc tiêu bê-tông ven đường bị vỡ ra, lộ rõ cọc tre bên trong.

Mới đây, hồi tháng 7-2013, một vụ rút ruột công trình tại dự án cầu Nhật Tân (Hà Nội) đã được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử. Kết quả điều tra cho thấy, hơn 40 thanh cọc ván thép dùng chống sạt lở tại hố móng cầu Nhật Tân (Hà Nội) đã bị nhóm kỹ sư tại Công ty Sumitomo Mitsui thông đồng cùng tài xế xe cẩu mang bán trộm lấy hơn 300 triệu đồng.

Áp lực về nợ công cũng như khả năng “bóng ma” lạm phát cao trở lại đã khiến nhiều người băn khoăn, nhưng cuối cùng vì mục tiêu chung nên chủ trương trên vẫn được thông qua. Điều nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội kiến nghị là khi đã tăng vốn đầu tư phải rót đúng nơi, đúng chỗ, đồng thời quản lý thật chặt chẽ mới mang lại hiệu quả. Nếu những đồng vốn đi vay vẫn được sử dụng theo kiểu vô tội vạ, không những không giải quyết được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 mà còn ảnh hưởng tới các cân đối vĩ mô như lạm phát, nợ công...

Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương tổ chức trong 2 ngày đầu tuần này, để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, vấn đề trên đã được các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương rất quan tâm.

Thậm chí, Thủ tướng còn đối thoại thẳng thắn với các bộ trưởng có liên quan về việc phân bổ vốn đầu tư cũng như triển khai các dự án hạ tầng có vốn nhà nước. Thủ tướng đã nhất trí sẽ chấm dứt hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) dưới hình thức thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT để tránh tình trạng DN “chạy” dự án ở địa phương, địa phương “chạy” ngân sách trung ương, hoặc không bố trí được vốn nhưng vẫn ký dự án BT. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc chấn chỉnh lại tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng ở các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, thực tế rút ruột công trình tại một số dự án hạ tầng được phát hiện mới đây, cho thấy việc sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước phải được giám sát chặt chẽ hơn nữa. Giám sát không chỉ dựa vào các cơ quan chuyên môn về thanh tra, giám sát, mà phải đẩy mạnh giám sát chéo, dựa vào người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể. Và khi những sai phạm được phát hiện cần xử lý nghiêm minh với chế tài cả về hình sự và kinh tế mới đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra các vụ tiêu cực cũng phải được đánh giá trách nhiệm rõ ràng.

Vấn đề quan trọng trong năm 2014 là phải lấy lại được niềm tin vào chính sách. Có vậy, các mục tiêu đề ra mới có cơ sở và sự đồng thuận của toàn xã hội để thực hiện. Bên cạnh các chính sách đúng, việc triển khai, thực thi có hiệu quả các chính sách đó mới thực sự là cơ sở của niềm tin.

Người dân nộp thuế rất xót xa nếu những đồng tiền của Nhà nước (cũng là tiền của dân) đầu tư cho các công trình hạ tầng không được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, thậm chí còn bị rút ruột bởi một số cá nhân. Bởi vậy, dư luận đang kỳ vọng các cơ quan có trách nhiệm thể hiện thái độ quyết liệt trong việc triển khai, giám sát chặt chẽ từng đồng vốn của ngân sách cho các công trình xây dựng.

Các tin khác