Giám sát chặt tài sản công

 
(ĐTTCO) - Trong khuôn khổ phiên họp thứ 9, UBTVQH đã cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát năm 2018 của Quốc hội và UBTVQH với 196 nội dung đề xuất giám sát thuộc 8 nhóm vấn đề.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 Trong đó nổi bật là vấn đề giám sát quản lý tài sản công.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, hết tháng 7-2016, tổng trị giá tài sản nhà nước hơn 1 triệu tỷ đồng (xấp xỉ 50 tỷ USD). Trong đó, tại các cơ quan nhà nước 281.086 tỷ đồng, tại các đơn vị sự nghiệp 718.562 tỷ đồng, tại các tổ chức 37.609 tỷ đồng, tại các ban quản lý dự án 3.194 tỷ đồng. Và hằng năm vẫn được ngân sách rót vốn đầu tư tăng thêm. Tuy nhiên, đây mới tính phần tài sản theo Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, nếu tính hết các loại tài sản được xác định là tài sản công như hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nước sạch, khoáng sản, đất đai… tổng trị giá phải lên tới 10 triệu tỷ đồng.

 Dù có trị giá lớn như vậy, nhưng lâu nay những loại tài sản được xem là tài sản quốc gia vẫn chưa được quy định rõ ràng, thống nhất, dẫn tới việc sử dụng lãng phí. Đó là tình trạng xâu xé đất bảo tàng, các cơ sở lịch sử - văn hóa cho thuê kinh doanh nhiều loại dịch vụ khác nhau, từ cà phê, quán nhậu tới trung tâm tiệc cưới, bãi đỗ xe… Hay việc các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước dùng đất được nhà nước giao quản lý để cho thuê, góp vốn kinh doanh, xây dựng cao ốc. Dù những phần đất trên do Nhà nước giao cho các đơn vị quản lý, nhưng khi cho kinh doanh, phần lợi đó lại không được nộp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp khác là nguồn tài nguyên khoáng sản, các địa phương mỗi nơi quản lý một kiểu, giao cho các đơn vị quản lý khai thác thiếu thống nhất, không rõ ràng, dẫn tới thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Thực tế, nhiều loại tài sản được xem là tài nguyên quốc gia nhưng không được xem là tài sản công, dẫn tới không được giao quản lý rõ ràng, thiếu cơ sở để phân định trách nhiệm, đã bị sử dụng lãng phí, thất thoát, sử dụng sai mục đích… Thí dụ, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ (tổng trị giá hơn 1,8 triệu tỷ đồng), dù do ngân sách nhà nước đầu tư, nhưng đầu tư xong không ai quản lý, không được bố trí ngân sách duy tu bảo dưỡng, hư hỏng mới đầu tư lại từ đầu. Trong khi đó, luật hiện hành mới điều chỉnh đối với một bộ phận tài sản nhà nước giao cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, nhưng lại bỏ qua nhiều loại tài sản công trị giá khác, như đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn lợi vùng trời, vùng biển, tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh...

 Do đó, các cơ quan quản lý cũng chưa nắm được tổng thể về tài sản công, công tác quản lý bị buông lỏng, hạch toán chưa đầy đủ, thống nhất, chưa gắn quản lý về giá trị với quản lý về hiện vật. Dẫn tới tài sản bị sử dụng sai gây thất thoát, lãng phí, nguồn lực tài chính từ các loại tài sản này chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả cho nền kinh tế. Được biết, hàng năm tài sản nhà nước được các đơn vị cho thuê, liên kết và nộp một phần nguồn thu về ngân sách nhà nước khoảng 100.000 tỷ đồng. Vì vậy, nếu chính sách quản lý hiệu quả hơn, nguồn tài chính từ tài sản công đóng góp vào ngân sách nhà nước sẽ lớn hơn rất nhiều.

Để xử lý những vấn đề trên, quản lý tài sản tốt hơn, huy động hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế, Bộ Tài chính đã đưa ra Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Dự kiến, luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới. Dự luật được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm rõ được số lượng, hiện trạng, trị giá các loại tại sản công hiện nay. Từ đó coi tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước. Đồng thời, tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công. Từng bước phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường…

Bên cạnh đó, dự luật về tài sản công cũng bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu; giá trị lịch sử, văn hóa, thương hiệu... vào nội dung phân loại tài sản công. Đồng thời, quy định không đầu tư, xây dựng mới tài sản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết. Ngoài ra, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, các chế tài xử phạt cũng rõ ràng hơn. Vấn đề còn lại là cần giám sát chặt chẽ việc quản lý sử dụng tài sản công. Kỳ vọng với quyết tâm của Quốc hội, nguồn lợi quốc gia sẽ được sử dụng hiệu quả, góp phần huy động tối đa nguồn lực cho nền kinh tế.

Các tin khác