Giải tỏa áp lực ngoại tệ

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, trên cơ sở chỉ tiêu kinh tế vĩ mô Quốc hội đã phê chuẩn tăng trưởng GDP 6,2% trong năm 2015, đồng thời để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu nói riêng, cũng như các doanh nghiệp thực hiện dự án xuất khẩu, Thống đốc NHNN đã chủ trương tiếp tục cho phép thực hiện cho vay 2 đối tượng trên đến hết năm 2015.
 

ĐTTC số ra ngày 18-12 đăng bài “Hết hạn vay ngoại tệ?”, về việc cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hết hạn vào ngày 31-12-2014 theo Thông tư 29/2013/NHNN-TT. Cuối tuần qua NHNN đã chính thức thông báo sẽ tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ với 2 nhóm doanh nghiệp này.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, trên cơ sở chỉ tiêu kinh tế vĩ mô Quốc hội đã phê chuẩn tăng trưởng GDP 6,2% trong năm 2015, đồng thời để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu nói riêng, cũng như các doanh nghiệp thực hiện dự án xuất khẩu, Thống đốc NHNN đã chủ trương tiếp tục cho phép thực hiện cho vay 2 đối tượng trên đến hết năm 2015.

Bà Hồng cho rằng với mặt bằng tỷ giá ổn định như hiện nay và lãi suất cho vay VNĐ tương đối cao so với lãi suất vay ngoại tệ, việc cho phép tiếp tục cho vay ngoại tệ với 2 nhóm doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn.

Khi các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu được hỗ trợ về chi phí vay vốn sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và hoạt động sản xuất trong nước cũng được cải thiện. Qua đó tạo đà cho nền kinh tế có điều kiện đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,2% của Chính phủ đề ra trong năm 2015. Văn bản chính thức thay thế Thông tư 29/2013/TT-NHNN sẽ được ban hành trong tuần này.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC), có 2 tác động chủ yếu đến việc gia hạn cho vay ngoại tệ với 2 nhóm doanh nghiệp này. Thứ nhất, 6 tháng đầu năm cho vay ngoại tệ trở nên rất phổ biến và các cấp có thẩm quyền cũng không quá khắt khe với việc này, do tín dụng ngoại tệ tạo đà tăng trưởng tín dụng mạnh trong giai đoạn vừa qua, tất nhiên đây chủ yếu là các khoản cho vay ngắn hạn 6-9 tháng và thường đáo hạn vào cuối năm.

Vì vậy, ngoại tệ cũng đã chịu áp lực trong giai đoạn vừa qua khi các doanh nghiệp đi vay cố tìm nguồn USD để trả nợ vào cuối năm. Thêm vào đó, những lo ngại các khoản vay mới có thể không được tiếp tục đã gây nên những căng thẳng đối với thị trường ngoại hối. Việc gia hạn cho vay ngoại tệ giúp áp lực này phần nào được giải tỏa.

Một số khoản vay ngoại hối có thể liên quan đến việc doanh nghiệp vay USD chuyển đổi thành VNĐ để hưởng chênh lệch từ lãi suất huy động, có thể một phần của khoản vay này được bơm vào thị trường chứng khoán mùa hè vừa qua giúp đà tăng trưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng vào giai đoạn đó. Những khoản này cũng phải đáo hạn vào cuối năm.

Và như vậy khi thời hạn đã gần kề về việc cho vay ngoại tệ của Thông tư 29 không còn hiệu lực, có thể một phần tạo áp lực bán ra trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn vừa qua, làm chứng khoán lao dốc chứ không thể đổ hết do giá dầu giảm. Và những thay đổi về pháp lý ảnh hưởng đến thanh khoản (Thông tư 36 về các tỷ lệ an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng ảnh hưởng đến cả trái phiếu và cổ phiếu). Vì vậy, việc gia hạn Thông tư 29 có thể giảm bớt áp lực của hoạt động cho vay ký quỹ trên thị trường chứng khoán

Mặt khác, việc tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ cho thấy giảm áp lực lo ngại về việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng đối với ngành ngân hàng trong năm 2015, dù đã có nhiều giải pháp khơi thông vốn được ban hành. Thời gian qua, tín dụng ngoại tệ chiếm một phần đáng kể trong tăng trưởng tín dụng chung.

Theo thống kê của NHNN, dư nợ cho vay ngoại tệ của 2 nhóm doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng khá lớn trong trong tổng dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống với khoảng 30%, trong đó dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối chiếm khoảng 6%, còn nhu cầu cho vay đối với dự án xuất khẩu chiếm 24%. Hơn nữa NHNN tiếp tục cho vay ngoại tệ sẽ giúp tổ chức tín dụng có điều kiện mở rộng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi lãnh đạo NHNN thừa nhận “vay ngoại tệ với mặt bằng tỷ giá ổn định và lãi suất cho vay VNĐ tương đối cao so với lãi suất cho vay ngoại tệ, việc gia hạn có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn”, thì trong thời gian tới NHNN cũng cần phải có giải pháp giải quyết những gút mắc về lãi suất đối với vốn vay VNĐ, kéo giảm lãi suất về mức phù hợp để đẩy mạnh cho vay VNĐ, hạn chế việc đô la hóa nền kinh tế.

Các tin khác