Giải pháp thoát bẫy thu nhập trung bình?

Vào ngày 5-12-2013, Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, chính thức thay thế Hội nghị nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) được tổ chức thường niên từ năm 1993.

Vào ngày 5-12-2013, Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, chính thức thay thế Hội nghị nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) được tổ chức thường niên từ năm 1993.

VDPF sẽ không còn tập trung vào vấn đề tài trợ cho Việt Nam như CG, mà chuyển sang đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ quốc tế...

Kể từ năm 1993, khi Việt Nam nối lại quan hệ với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, Hội nghị CG đóng vai trò là một diễn đàn đối thoại chính sách hiệu quả, chia sẻ những kinh nghiệm phát triển hữu ích.

Nhờ sự nỗ lực điều hành của Chính phủ, sự hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả của cộng đồng các nhà tài trợ, Việt Nam đã phát triển nhanh và toàn diện, vươn lên nhóm nước thu nhập trung bình thấp, với hàng triệu người thoát nghèo. Từ đó Việt Nam được biết đến như một trong những điển hình phát triển thành công ấn tượng nhất trong 2 thập kỷ qua.

Trải qua 20 năm đồng hành trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nhà tài trợ không ngừng được củng cố và phát triển.

Hiện ở Việt Nam có hơn 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đang hoạt động. Qua 20 hội nghị CG hàng năm, tổng giá trị vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ đạt 78,19 tỷ USD. Trong bối cảnh mới, khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp, yêu cầu về đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ phải sâu hơn về nội dung, rộng hơn về phạm vi tham gia của các bên vào quá trình phát triển, kết quả đối thoại cần được theo dõi và triển khai trong đời sống thực tế.

Ðể đáp ứng yêu cầu này, cuối năm 2012, Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ thống nhất thay đổi phương thức và cách thức tổ chức các hội nghị CG. Theo đó, từ năm 2013, hai bên cải tiến CG thành VDPF để tập trung nhiều hơn cho đối thoại về các chính sách phát triển. Các nhà tài trợ sẽ không đưa cam kết vốn ODA và vốn vay ưu đãi như trước đây, vì trong bối cảnh phát triển mới của Việt Nam, các bên quan tâm đến kết quả đầu ra hơn là việc huy động các nguồn lực đầu vào.

Đồng thời, xuất phát từ thực tế đó, các nhà tài trợ có thể đưa ra cam kết bất cứ thời điểm nào trong năm. Ðiều này sẽ có lợi cho quan hệ hợp tác phát triển hiệu quả giữa Việt Nam và các nhà tài trợ trong bối cảnh mới. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, VDPF sẽ là một cơ chế cấp cao, đóng vai trò là một nền tảng chủ yếu cho đối thoại chính sách phát triển giữa tất cả các đối tác phát triển đang hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đạt 14%/năm, quy mô GDP bình quân đầu người của Việt Nam từ năm 2008 đã vượt qua mốc 1.000 USD. Nghĩa là từ năm 2008, nước ta được xem là bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình (thấp). Tuy nhiên, cũng từ năm 2008 đến nay, kinh tế Việt Nam liên tục rơi vào tình trạng bất ổn, trì trệ, “nghẽn mạch” tăng trưởng.

Trong khi kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi sau khủng hoảng 2008, kinh tế Việt Nam vẫn không len được vào quỹ đạo đó. Như Báo ĐTTC đã từng phân tích trong nhiều bài viết trước đây, nguyên nhân tình trạng trên là do cơ cấu kinh tế có vấn đề, phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, trong khi tư duy quản lý còn chậm đổi mới, bị lợi ích nhóm trì kéo.

Có thể nói, việc Việt Nam rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” đã không còn là lời cảnh báo. Bởi vậy, vào lúc này, một cơ chế đối thoại rộng mở hơn với các đối tác phát triển trên thế giới như VDPF là điều vô cùng cần thiết. Vốn ODA chỉ là một yếu tố trung gian để Việt Nam và các nhà tài trợ cùng hợp tác tìm con đường ngắn nhất tới thành công. Nếu kinh tế Việt Nam không thoát ra khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, thất bại là con đường đã nhìn thấy.

Với kỳ vọng đó, chủ đề bao quát của VDPF năm nay là “Thiết lập quan hệ đối tác mới - hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”. Các nội dung sẽ được tập trung thảo luận gồm: phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và các vấn đề chiến lược; giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc thiểu số; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ nước và vệ sinh môi trường...

Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và thiết lập các kế hoạch vượt thoát trong trung hạn. Những ý kiến được đưa ra tại VDPF chắc chắn sẽ rất hữu dụng, hỗ trợ và củng cố các giải pháp phát triển mang tính bền vững hơn, giúp giảm thấp nhất rủi ro rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” của nền kinh tế Việt Nam.

Các tin khác