Giải bài toán lãi suất

(ĐTTCO) - Năm 2017, mục tiêu kiểm soát lạm phát Quốc hội đề ra chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân mức 4%. 
Giải bài toán lãi suất
Sau 6 tháng, CPI tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016 và tăng 0,2% so với tháng 12-2016. Điều này cho thấy lạm phát và tăng trưởng ra sao đang là thách thức cần giải quyết.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt 6,3% và sẽ tăng lên 6,4% trong năm 2018 và 2019. Trong khi lạm phát, theo WB, dự kiến vẫn ở mức vừa phải (4%) trong giai đoạn 2017-2019 nhờ giá cả hàng hóa và năng lượng giảm.
Trong khi Tổ chức Nghiên cứu thị trường Market Intello mới đây đã hạ dự báo lạm phát năm 2017 xuống còn 3,8%, song vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng cả năm ở mức 6,1%. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định trong bối cảnh sức ép lạm phát đang gia tăng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 là 6,7% khó có thể đạt được… 

Bình luận về điều này, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng phải rất nỗ lực và có những giải pháp hợp lý mới có thể cùng lúc đạt được 2 mục tiêu tăng trưởng 6,7% và lạm phát 4%. 

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, mức lạm phát 4,15% trong 6 tháng không phản ánh chính xác nhiệt độ của nền kinh tế vào thời điểm hiện nay. Sự gia tăng của chỉ số CPI trong thời gian gần đây chủ yếu do các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế bằng biện pháp hành chính đem lại. Nếu loại trừ yếu tố này, lạm phát trong 6 tháng đầu năm đã ở mức âm, trong đó có 4 tháng âm liên tiếp (từ tháng 3 đến tháng 6).
Chỉ số phản ánh chính xác hơn nhiệt độ của nền kinh tế là lạm phát cơ bản. Kể từ năm 2011 đến nay, lạm phát cơ bản có xu hướng giảm vững chắc và đang tiệm cận mức 1% (hiện ở mức 1,3% nếu so với cùng kỳ năm 2016 và 1,5% nếu tính trung bình 6 tháng đầu năm 2017). Như vậy, có thể thấy rằng nếu không tính các đợt tăng giá dịch vụ y tế bằng biện pháp hành chính, lạm phát đang có xu hướng giảm và hiện ở mức thấp. 

Bên cạnh các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, mức lãi suất hiện nay đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng khi lãi suất thực và tăng trưởng kinh tế có xu hướng ngược chiều. Trong khi lãi suất thực có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng lại có xu hướng sụt giảm xuống mức còn khoảng 6%.
Như vậy, ở một mức độ nào đó, tình trạng tăng trưởng thấp hiện nay có nguyên nhân do lãi suất thực cao. Và nguyên nhân khiến lãi suất thực cao do lạm phát giảm nhanh hơn lãi suất. Với việc trong 6 tháng đầu năm, chỉ số CPI chỉ tăng 0,2%, còn GDP chỉ tăng 5,73%, nền kinh tế đang có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát.

Để đạt được mức tăng trưởng cao hơn, cần giảm lãi suất thực. Muốn lãi suất thực giảm thì hoặc lãi suất danh nghĩa phải giảm, hoặc lạm phát phải tăng. Nhưng theo logic của kinh tế học, lạm phát chỉ có thể tăng nếu lãi suất giảm. Bởi vậy, giảm lãi suất là nhu cầu cấp bách để thúc đẩy tăng trưởng.
Mặc dù vậy, với việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đặt mục tiêu ổn định lãi suất ở mặt bằng như hiện nay, có thể dự báo rằng, lạm phát cơ bản và lạm phát GDP sẽ rất khó vượt mức 2% trong vòng vài năm tới, trừ khi có giải pháp đột phá về tiền tệ để xử lý nợ xấu. Trong trung hạn, nhiều khả năng lạm phát cơ bản sẽ chỉ dao động quanh mức 1%, nếu không tính các cuộc điều chỉnh giá bằng biện pháp hành chính. Do vậy, lãi suất thực sẽ tiếp tục bị neo ở mức cao và tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục bị kìm hãm.

Với việc phần lớn doanh nghiệp hiện nay hoạt động dựa vào vốn vay ngân hàng thì lãi suất đang cao đang tạo chi phí rất lớn. Nếu giảm được 0,5-1% lãi suất, tác động sẽ lớn hơn nhiều so với giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay các biện pháp khác.
Do đó, câu chuyện kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất cho vay bằng cách đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đóng vai trò quyết định trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy khu vực doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, vượt qua khó khăn.

Các tin khác