Gầy dựng niềm tin

Dự báo năm 2014 khu vực DN đã thoát đáy và có mức kỳ vọng tăng trưởng khả quan, rõ nét hơn so với năm 2013 và 2012.

Theo báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp (DN) năm 2014 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các chỉ tiêu cơ bản (lao động, vốn, doanh thu, xuất khẩu, lợi nhuận và các điều kiện khác của kinh tế vĩ mô) theo đánh giá của DN dần tốt lên.

Dự báo năm 2014 khu vực DN đã thoát đáy và có mức kỳ vọng tăng trưởng khả quan, rõ nét hơn so với năm 2013 và 2012.  

Từ ngày 1-3 đến 30-4, Tổng cục Thống kê đã tiến hành điều tra chọn mẫu về xu hướng sản xuất kinh doanh 2014 với 8.100 DN tham gia. Kết quả, có 51,5% dự kiến giữ nguyên quy mô về số lượng lao động; 38,5% dự kiến tăng và chỉ 10% dự kiến giảm. Về sử dụng vốn có 60,8% DN trả lời giữ nguyên quy mô vốn; 33% dự kiến tăng và chỉ có 6,2% dự kiến giảm.

Về doanh thu, tỷ lệ DN dự kiến tăng doanh thu năm 2014 so với năm 2013 khá cao với 71,6%, chỉ 14,7% dự kiến giữ nguyên quy mô và 13,7% dự kiến giảm. Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra cho thấy hầu hết DN đều lạc quan về triển vọng phục hồi và phát triển hơn trong năm 2014.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế phát triển DN từ đầu năm đến nay, có thể thấy khó khăn vẫn đang bao phủ hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong tháng 5-2014, cả nước có 5.499 DN được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 30.217 tỷ đồng (giảm tương ứng 25,4% và 33,5% so với tháng 4).

Số DN gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể trong tháng 5 là 6.713 DN, trong khi chỉ có 1.131 DN ngừng hoạt động nay quay trở lại sản xuất. Như vậy, tính từ đầu năm đến cuối tháng 5, cả nước có 31.228 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 173.624 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2013 số DN đăng ký thành lập mới tăng 0,7% và số vốn đăng ký tăng 11%.

Trong khi đó, số DN gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể trong 5 tháng đầu năm 2014 là 27.867 DN, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chu kỳ khó khăn của DN tại Việt Nam đã bắt đầu diễn ra từ năm 2008 đến nay. Bên cạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, trong vài năm gần đây Chính phủ đã liên tục có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để giúp DN hồi phục sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, nhìn vào con số các DN buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể liên tục tăng lên, có thể thấy rằng những nỗ lực đó vẫn chưa đủ. Để giúp khu vực DN phát triển, không gì hơn là phải nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong nghị quyết này là điều không hề dễ dàng.

Ghi nhận của ĐTTC tại một cuộc hội thảo mới đây về vấn đề này cho thấy, phía các cơ quan quản lý dường như vẫn chưa có nhiều thay đổi về tư duy để biến thành quyết tâm đổi mới. Chẳng hạn, theo Nghị định 19, trong giai đoạn 2014-2015 sẽ phấn đấu giảm thời gian nộp thuế của DN từ mức 872 giờ/năm (theo đánh giá của WB) xuống còn 171 giờ/năm (bằng mức trung bình của ASEAN 6).

Tuy nhiên, khi tham gia ý kiến về vấn đề này, đại diện ngành thuế đã viện dẫn nhiều lý do khó khăn, như tiêu chuẩn đánh giá không đồng nhất, hay như nếu ngành thuế có giảm thời gian thì vẫn không thể giảm đủ bởi theo tiêu chuẩn của WB thời gian nộp thuế của DN tính luôn cả thời gian làm nghĩa vụ bảo hiểm xã hội... Tương tự, đại diện ngành hải quan cũng chỉ nhắc tới những cải tiến đã có của mình, rồi cho rằng muốn giảm thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu thì cần nhiều ngành khác tham gia.

Như đã đề cập, từ kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, có thể thấy một tín hiệu đáng mừng là dù đang rất khó khăn nhưng DN đã bắt đầu tỏ thái độ lạc quan vào triển vọng kinh doanh trong thời gian tới. Niềm tin đã le lói trở lại, và để nền kinh tế có động lực phục hồi cần sớm nắm bắt, tận dụng niềm tin ấy. Những giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Chính phủ đề ra là rất đáng ghi nhận.

Nhưng để thực hiện cần có kỷ luật cải cách, nghĩa là mục tiêu đã đề ra thì các cơ quan được giao nhiệm vụ phải thực hiện cho bằng được, nếu không phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ chứ không thể đổ lỗi cho ngành khác. Đã có một số ý kiến đề nghị nên thành lập một ủy ban cải cách cấp quốc gia để điều phối, thực hiện một cách đồng bộ những mục tiêu đề ra.

Nhưng quan trọng hơn là phải thay đổi cho được tư duy quản lý, từ nhà nước “điều hành” sang nhà nước “kiến tạo phát triển”. Có vậy, môi trường kinh doanh mới thực sự hấp dẫn, thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển. Khi đó, niềm tin mới được nhen nhóm sẽ không bị lãng phí.

Các tin khác