Gánh lo ngân sách

Nhìn vào những báo cáo được đưa ra Quốc hội, có thể thấy câu chuyện thu - chi vẫn đang là nỗi đau đầu với Chính phủ. Bởi lẽ, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng không nhiều và dự báo khó khăn năm 2015 chưa có xu hướng thay đổi nhiều so với 2014.

Theo dự toán thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) vừa được Chính phủ trình ra Quốc hội, năm 2015 thu 915.100 tỷ đồng, tăng 8,8% so với ước thực hiện 2014; chi 1.137.100 tỷ đồng, bội chi 5% GDP, tương đương 226.000 tỷ đồng; chi trả nợ và viện trợ 150.000 tỷ đồng, tăng 30.000 tỷ đồng so với năm 2014.

Nhìn vào những báo cáo được đưa ra Quốc hội, có thể thấy câu chuyện thu - chi vẫn đang là nỗi đau đầu với Chính phủ. Bởi lẽ, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng không nhiều và dự báo khó khăn năm 2015 chưa có xu hướng thay đổi nhiều so với 2014.

Năm 2014, việc cân đối NSNN rất khó khăn khi đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP) ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên. Những điều đó không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, mà sẽ không đủ vốn đầu tư bố trí phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

Số thu năm 2014 ước tính tăng khoảng 10,6% so với dự toán (tương đương 63.700 tỷ đồng) là cơ sở để lập dự toán năm 2015 tăng 8,8%. Nhưng việc hoàn thành chỉ tiêu này sẽ là thách thức khi bức tranh chung chưa có nhiều cải thiện.

Chẳng hạn, 9 tháng năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới hơn 52.500 nhưng số giải thể, phá sản cũng trên 51.200 và tạm dừng hoạt động gần 18.900. Bên cạnh đó, có đến 213.000 doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Số nợ thuế khó thu tăng 7,3% so với cuối năm 2013.

Một số ngành có đóng góp lớn cho NSNN như khí thiên nhiên, bia, xi măng có sản lượng sản xuất tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ như than, khí hóa lỏng, thuốc lá, xe máy. Nguồn thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi đó, tỷ trọng thuế trực thu tăng chậm do hiệu quả sản xuất - kinh doanh còn thấp, đặc biệt tình trạng thất thu ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Còn với chi, câu chuyện thiếu hiệu quả, lãng phí, thất thoát luôn được nhắc tới trong mỗi báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trước các kỳ họp. Chi thường xuyên tăng nhanh trong tổng cân đối chi, từ 60% của năm 2011, 2012 lên 67%, 68% năm 2013, 2014.

Bộ Tài chính trong tờ trình về dự án sửa Luật NSNN cũng thừa nhận hiệu quả sử dụng NSNN chưa cao, nhất là trong lĩnh vực chi đầu tư phát triển và các khoản mua sắm trong chi thường xuyên. Công tác xã hội hóa, đổi mới cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tuy có nhiều chuyển biến tích cực, song triển khai thực hiện còn chậm, kết quả đạt được còn hạn chế, tình trạng biên chế tăng lên kéo theo các khoản chi lương, mua sắm dẫn đến nhiệm vụ chi NSNN ngày càng nặng nề; tình trạng chi tiêu kém hiệu quả, lãng phí chậm được khắc phục.

Với bội chi, nếu tính cả việc vay nợ từ phát hành TPCP, năm 2014 bội chi đã ở mức 6,3% GDP thay vì con số 5,3% như báo cáo của Chính phủ. Còn năm 2015, kế hoạch bội chi Chính phủ đưa ra 5%. Tuy nhiên, nếu cộng thêm 85.000 tỷ đồng TPCP, mức bội chi lên đến hơn 7%, trong khi Nghị quyết của Quốc hội đến năm 2015 bội chi ngân sách đạt dưới 4,5% GDP (bao gồm cả TPCP).

Trước những áp lực quá lớn trong thu, chi, trả nợ năm tới, dù không đạt yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bội chi NSNN năm 2015 (tính cả TPCP) phải được thực hiện quyết liệt hơn và phấn đấu khoảng 6% GDP.

Khó khăn trong cân đối thu - chi ngân sách dẫn đến tốc độ tăng nợ công ngày càng nhanh và đạt đến hơn 64% vào năm 2015 (chạm ngưỡng 65% Quốc hội cho phép) cũng gây nhiều quan ngại. Điều đó thể hiện qua số nợ phải trả hàng năm so với tổng thu ngân sách. Năm 2013, chỉ số này của Việt Nam 22,3% và “khi vượt trên mức 25% bắt đầu giai đoạn báo động; vượt 30% là mất an toàn" như nhận định của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch. Không những vậy, thu không có, nợ đến hạn, đã dẫn đến việc vay để đảo nợ. Điều không ít chuyên gia cảnh báo "cực kỳ nguy hiểm".

Việc giải bài toán ngân sách, như thường lệ vẫn là các giải pháp như chống thất thu; cải cách chính sách thuế; cải thiện môi trường đầu tư để doanh nghiệp phát triển sản xuất tránh phụ thuộc vào thu từ dầu mỏ, xuất nhập khẩu; cắt giảm các khoản chi kém hiệu quả, lãng phí; tinh giản bộ máy hành chính...

Những giải pháp này hàng năm vẫn được nhắc đi nhắc lại nhưng sự chuyển biến là không nhiều. Vấn đề đặt ra, để giải quyết tình hình hiện nay và thời gian tới, giải pháp đúng là chưa đủ, mà cần nhiều hơn sự quyết liệt, quyết tâm trong thực hiện.

Các tin khác