Dứt điểm thất thu, lãng phí

Theo dự toán, thu ngân sách năm 2012 là 740.500 tỷ đồng, thực hiện 754.572 tỷ đồng, vượt 1,9% (14.072 tỷ đồng). Nhưng theo tính toán của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thực tế thu chỉ đạt 99,2% do thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 127.093 tỷ đồng, bằng 82,6% dự toán, trong khi phải hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu 89.689 tỷ đồng. Do không có nguồn, Bộ Tài chính chỉ quyết định hoàn thuế 70.000 tỷ đồng, số còn lại chuyển sang năm 2013 và 2014 xử lý tiếp.

Cuối tuần qua, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012. Nội dung này cũng sẽ được thảo luận tại hội trường ngày 29-5 tới,  trước khi được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 9-6.

Theo dự toán, thu ngân sách năm 2012 là 740.500 tỷ đồng, thực hiện 754.572 tỷ đồng, vượt 1,9% (14.072 tỷ đồng). Nhưng theo tính toán của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thực tế thu chỉ đạt 99,2% do thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 127.093 tỷ đồng, bằng 82,6% dự toán, trong khi phải hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu 89.689 tỷ đồng. Do không có nguồn, Bộ Tài chính chỉ quyết định hoàn thuế 70.000 tỷ đồng, số còn lại chuyển sang năm 2013 và 2014 xử lý tiếp.

Một điểm đáng chú ý được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra là thu ngân sách ở khu vực doanh nghiệp vẫn còn tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, từ đó thiếu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp.

Trong đó, KTNN xác định các khoản nộp ngân sách tăng thêm hơn 2.800 tỷ đồng, trong đó 32 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm hơn 1.800 tỷ đồng. Một hạn chế khác thường được nhắc đến là tình trạng thất thu thuế (425 đơn vị với gần 135 tỷ đồng), nợ đọng thuế kéo dài… vẫn diễn ra và chưa có dấu hiệu giảm.

Đặc biệt nợ đọng thuế cao là điều đáng lo ngại trong năm tài khóa 2012 khi 12/19 tỉnh hụt thu có mức nợ thuế tăng trên 50% so với năm 2011. Một số tỉnh có số nợ thuế có khả năng thu tăng cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến hụt thu hoặc làm tăng mức hụt thu.

Đối với chi, dự toán Quốc hội giao 903.100 tỷ đồng, quyết toán 978.463 tỷ đồng, vượt 8,3% (75.363 tỷ đồng). Theo KTNN, công tác lập và giao dự toán của các bộ, ngành, địa phương chưa có nhiều chuyển biến. Hầu hết tồn tại, hạn chế do KTNN phát hiện và kiến nghị từ nhiều năm trước vẫn chưa khắc phục được, như lập dự toán một số nhiệm vụ chi không sát thực tế (Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin - Truyền thông, Tòa án Nhân dân tối cao), cao hơn số kiểm tra của Bộ Tài chính, không có nhiệm vụ chi, phải hủy dự toán 23,53 tỷ đồng, giao dự toán khi chưa rõ nội dung và nhiệm vụ chi 222 tỷ đồng…

KTNN cũng xác định một số địa phương hụt thu đã không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để việc rà soát cắt giảm chi; bổ sung một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách; chưa quán triệt, thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm trong mua sắm tài sản; sử dụng ngân sách không đúng mục đích, kém hiệu quả. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng trong điều kiện thu ngân sách tăng thấp, chi quản lý hành chính tại hầu hết địa phương đều vượt dự toán (tăng 12,5%, tương đương 9.924 tỷ đồng). Trong đó 20/34 tỉnh được kiểm toán có chi quản lý hành chính vượt trên 30%.

Đề cập đến quyết toán ngân sách 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng thu chưa đúng phải tăng thu, chi chưa đúng phải xuất toán, theo nguyên tắc phát hiện ở thời điểm nào xử lý tại thời điểm đó. “Những khoản chi, quyết toán Quốc hội đã thông qua sau 10 năm phát hiện vẫn xử lý và thu hồi, đưa vào phần thu, chi của năm thu hồi, không sửa quyết toán.

Tương tự, đã chi 5-10 năm sau phát hiện ra vẫn xuất toán” - ông Hiển nói. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu quan ngại khi nhìn vào các báo cáo thấy chưa yên tâm vì vi phạm ngày càng trầm trọng hơn, cần có giải pháp mạnh xử lý sai phạm, tồn tại để ít nhất cũng tương đồng với quản trị tài chính các nước trong khu vực.

Những bất cập trong thu - chi nêu trên dường như là câu chuyện dài kỳ được nhắc đi nhắc lại mỗi khi việc quyết toán ngân sách trình ra Quốc hội. Thậm chí một thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bức xúc khi cho rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính phải giải trình, chỉ rõ địa phương, cơ quan, đơn vị nào vi phạm, nếu không Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu cơ quan quản lý thu - chi ngân sách. Quốc hội không thể nhân nhượng mãi trong khi hạn chế, vi phạm kỷ luật tài chính năm nào cũng được nhắc đi nhắc lại nhưng không có biến chuyển thực tế.

Các tin khác