Đừng tự hài lòng với những con số

(ĐTTCO) - Sau nhiều năm chờ đợi, du lịch Việt Nam đã đón du khách quốc tế thứ 15 triệu, dự báo đến hết tháng 12 có thể đạt mức 15,5 triệu lượt, tạo mốc mới trong sự phát triển của ngành. 
Đừng tự hài lòng với những con số
Thành tích này phải nói rất ấn tượng, bởi năm 1994 Việt Nam mới đạt mốc 1 triệu lượt khách quốc tế, phải đến năm 2013, tức gần 20 năm sau, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt mức 7 triệu.
Năm 2017, du lịch Việt Nam đạt mốc 13 triệu lượt khách quốc tế, và 2018 vẫn giữ được mức tăng trưởng gần 30% khách quốc tế. Nhờ đó, Việt Nam đã vào nhóm 10 nước tăng trưởng khách quốc tế nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, mốc 15 triệu lượt khách quốc tế dù phản ánh nỗ lực và sức hút của du lịch Việt Nam những năm qua, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn so với những quốc gia khác ngay ở Đông Nam Á: Thái Lan đã đạt mức trên 35 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2017, Malaysia đạt mức trên 31 triệu, Singapore đạt mức trên 17 triệu lượt khách quốc tế... Trong khi đó, tài nguyên du lịch của Việt Nam được đánh giá là phong phú và giàu tiềm năng hơn nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á. 

Câu chuyện tăng trưởng về số lượng nhưng không nhất thiết bằng mọi giá đã được đề cập ở nhiều hội thảo, diễn đàn. Theo đó, du lịch bền vững phải là hướng đi chính trong tương lai, qua đó tạo ra quan điểm chỉ đạo xuyên suốt. Việc phát triển du lịch bền vững cần đến nhiều yêu cầu về môi trường nên có thể kén khách hơn.

Do vậy, số lượng khách đến sẽ không thể là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá sự thành công hay không thành công. Tất nhiên, số lượng khách tăng là tốt, nhưng cũng không thể quên nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, trải nghiệm, các hình thức văn hóa giải trí... Khi khách thực sự có ấn tượng tốt với điểm đến, họ sẽ quay lại và giới thiệu cho nhiều người.

Không thể phủ nhận những năm qua ngành du lịch đã có bước phát triển nhanh và khởi sắc. Đặc biệt, với sự tham gia tích cực của mỗi người dân, bằng tình cảm thân thiện, nồng nhiệt chào đón, đã tạo cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ khi tới Việt Nam. Chúng ta lại có nhiều di tích lịch sử và 26 di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, cùng nền văn hóa phi vật thể độc đáo của hơn 800 lễ hội trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là ẩm thực “chiều lòng người”. Song từ lâu, nhiều người vẫn canh cánh với câu hỏi lớn: Vì sao khách đến chi tiêu rất ít tiền và du lịch Việt Nam chưa thể cất cánh? 

Một đất nước được cho vô cùng xinh đẹp, nhưng khách đến lại chi tiêu quá ít ỏi là thực tế phải nhìn nhận. Thí dụ, năm 2017 TPHCM đón 6,4 triệu lượt khách quốc tế; 24,9 triệu lượt khách nội địa, doanh thu 116.000 tỷ đồng. Mức chi tiêu trên mỗi khách xấp xỉ 3,7 triệu đồng/khách. Đồng Tháp đón 3,3 triệu lượt khách, nhưng chi tiêu chưa đạt 200.000 đồng/khách, có tỉnh du khách đến chi tiêu chỉ 137.000 đồng/người. Đáng buồn hơn là chỉ 10% du khách quay lại Việt Nam.

Nhìn sang các nước láng giềng, khách du lịch đến Thái Lan, Malaysia, Sigapore... đạt doanh thu rất cao, du khách móc hầu bao tiêu nhiều tiền và tỷ lệ khách quay trở lại 65-85%. Người làm du lịch cần nhìn thẳng vào sự thật này để biết ngành công nghiệp không khói nước ta thực sự đang đứng ở đâu trên bản đồ du lịch quốc tế. Nếu cứ nhìn vào những danh hiệu, sự bình chọn này kia, hay những con số “nhảy múa” để tự hài lòng, ngành kinh tế xanh sẽ khó tự hoàn thiện mình.

Việt Nam có triển vọng, tiềm năng để phát triển du lịch, bởi sở hữu nhiều lợi thế từ sự đa dạng khí hậu; phong phú về văn hóa với nhiều nét đặc sắc của các dân tộc trong cộng đồng; đa dạng về địa lý với nhiều kiểu địa hình từ đồng bằng đến núi cao, có nhiều bãi biển đẹp, nhiều hang động kỳ bí... đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

Song, tiềm năng cần được khai thác đúng cách, nếu không sẽ rơi vào tình trạng chạy theo nhu cầu nhất thời để đáp ứng một cách vội vã, thậm chí bỏ qua một số tiêu chí văn minh để kinh doanh theo lối chộp giật, tận thu, bất chấp nguy cơ, hiểm họa đe dọa trực tiếp đời sống, văn hóa, môi trường. Sự xuống cấp của các yếu tố này sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động du lịch, dẫn đến suy giảm hiệu quả, chất lượng.

Phía sau con số 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế còn quá nhiều việc phải giải quyết. Ngành du lịch Việt Nam hãy đừng tự hài lòng về những con số tổng lượt khách, thay vào đó là số ngày lưu trú, doanh thu và chi tiêu trên đầu mỗi du khách. Đó mới là hướng phát triển để du lịch nước nhà thật sự cất cánh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Các tin khác