Đừng mơ ô tô giá rẻ

Một trong những chính sách được Bộ Công Thương nêu ra nhằm khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới là giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng việc làm này không cần thiết.
 

Bộ Tài chính vừa có ý kiến tham gia với Bộ Công Thương về chính sách thuế thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Như vậy, sau gần 4 tháng chiến lược và quy hoạch mới của ngành ô tô được phê duyệt, những chính sách được coi là cốt lõi để tạo sức bật mới, nối tiếp giấc mơ ô tô Việt Nam đã được hình thành. Tuy nhiên, điều đáng buồn chính sách thuế cho ô tô Bộ Tài chính đưa ra lại không có gì mới.

Một trong những chính sách được Bộ Công Thương nêu ra nhằm khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới là giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng việc làm này không cần thiết.

Thống kê một loạt lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế (như theo WTO tất cả loại xe ô tô phải cắt giảm thuế nhập khẩu từ 100% xuống 70% sau 7 năm gia nhập; theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, các loại xe ô tô chở người 9 chỗ ngồi trở xuống phải cắt giảm xuống 0% vào năm 2018; theo Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP dự kiến đến năm 2026, thuế nhập khẩu ô tô chở người cũng sẽ cắt giảm về mức 0%...), Bộ Tài chính lo ngại việc giảm thuế TTĐB đối với ô tô sẽ tác động tiêu cực đến ngân sách.

Theo bộ này, trước bối cảnh giảm thu thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm xuống mức 20% từ năm 2016, nếu giảm thuế TTĐB đối với ô tô, ngân sách sẽ càng giảm thu, trong khi mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô trong nước vẫn không đạt được vì phải giảm thuế TTĐB cho cả ô tô nhập khẩu.

Qua khảo sát chính sách thuế TTĐB đối với ô tô của một số nước, Bộ Tài chính cho biết thuế suất thuế TTĐB 45% đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh 2.000cm3 ở Việt Nam là mức trung bình trong khu vực. Vì thế, Bộ Tài chính khẳng định chính sách điều tiết thuế TTĐB đối với ô tô hiện hành là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay và những năm tới, phù hợp với thông lệ của những nước xung quanh và nước có tình hình phát triển kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam.

Là cơ quan nắm hầu bao ngân sách, việc Bộ Tài chính không chấp thuận đề xuất giảm thuế là phản ứng bình thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính sách thuế được kỳ vọng là đột phá cốt lõi để vực dậy ngành công nghiệp ô tô sau 20 năm thất bại, phản ứng đó mang lại sự thất vọng lớn. Như ĐTTC từng phán ánh, khi đóng góp cho bản chiến lược mới của ngành ô tô, đa số ý kiến từ chuyên gia và doanh nghiệp đều chung quan điểm cần phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ về chính sách thuế.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng người dân đang khốn khổ vì phải mua xe với giá đắt đỏ nhất thế giới bởi thuế cao, chưa kể phải chịu thêm các chi phí giao thông để lưu hành sau đó. Theo ông Mại, thất bại nặng nề về chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam là do có sự bảo hộ bằng thuế khá lâu và ở mức quá cao.

Về phía các doanh nghiệp, nhiều ý kiến đã đề xuất giảm 20-25% thuế TTĐB với mục đích giúp giảm giá bán xe, tạo điều kiện tăng quy mô thị trường để đẩy nhanh nội địa hóa. Cũng có ý kiến cho rằng, sai lầm nhất với chính sách công nghiệp ô tô thời gian qua là đánh thuế TTĐB dựa trên giá bán. Cách làm này không khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa.

Các nước trong khu vực đánh thuế TTĐB dựa trên giá đơn hàng nhập khẩu bộ linh kiện. Chẳng hạn, với doanh nghiệp nhập khẩu 100% linh kiện xe về lắp ráp, với giá 10.000USD/bộ, khi chịu thuế TTĐB 45% chi phí sẽ cao, còn nếu doanh nghiệp nội địa hóa 50% chỉ nhập 50%, khi áp 45% thuế TTĐB, chi phí sẽ thấp hơn một nửa. Tức càng nội địa hóa nhiều, nhập khẩu ít thì chịu thuế TTĐB ít.

Điều này mới khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh nội địa hóa để giảm giá thành. Vì thế, bên cạnh việc giảm thuế TTĐB cần thay đổi cả cách tính loại thuế này.

Vậy nhưng, những kiến nghị trên dường như đã không “lọt tai” các nhà làm chính sách ở Bộ Tài chính, tức kỳ vọng về một chu kỳ phát triển với sức bật mới của ngành ô tô đã sớm bị dập tắt. Bên cạnh đó, điều khiến dư luận băn khoăn hơn là chiến lược và quy hoạch phát triển mới ngành công nghiệp ô tô đã được chuẩn bị từ 2-3 năm nay, nhưng đến khi ban hành các cơ quan liên quan vẫn bị vênh quan điểm về chính sách.

Bộ Công Thương muốn có đột phá về thuế để tạo sức bật mới, nhưng Bộ Tài chính lại không muốn thay đổi. Có lẽ, cơ hội cuối cùng cho sự trở lại của công nghiệp ô tô đã bị bỏ lỡ...

Các tin khác