Đừng để mãi chỉ là… cơ hội

(ĐTTCO)-Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đã chính thức diễn ra tại Hà Nội. Trong suốt nhiều tuần qua, trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế dày đặc những thông tin về sự kiện có tầm vóc quan trọng, có sức ảnh hưởng, quan tâm vô cùng to lớn này. 
Đừng để mãi chỉ là… cơ hội
Đặc biệt, với hơn 3.000 phóng viên của trên 200 hãng thông tấn, báo chí từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tới Việt Nam đưa tin về sự kiện này, là cơ hội hiếm có để quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới một cách nhanh và hiệu quả nhất. Hay nói cách khác, đây là cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam.
Song vấn đề ở chỗ, chúng ta sẽ tận dụng thời cơ này như thế nào để góp phần cho du lịch Việt Nam cất cánh? Thực tế, Việt Nam đã từng là chủ nhà tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế lớn của khu vực và thế giới, như Hội nghị Cấp cao ASEAN, Cấp cao Đông Á... hay Thượng đỉnh APEC với sự tham dự của hàng chục vị nguyên thủ quốc gia, đứng đầu chính phủ các nước lớn trên thế giới cùng hàng ngàn đại biểu quốc tế. 
Và cứ mỗi lần tổ chức các sự kiện này chúng ta đều kỳ vọng là cơ hội lịch sử để quảng bá, đất nước con người Việt Nam đến với toàn thế giới. Có thể nói những hình ảnh phong cảnh Việt Nam lung linh, kỳ vĩ trong phim “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo đầu lâu), khiến mọi người tin đây sẽ là cơ hội vàng cho du lịch đất nước hình chữ S.
Tương tự, việc cựu Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam, ăn bún chả và uống bia Hà Nội, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngồi quán cà phê vỉa hè ở TPHCM, hay Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ăn bánh mì vỉa hè ở Đà Nẵng… cũng là những hình ảnh đẹp có thể giúp thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Thế nhưng, mọi thứ chúng ta đều cho là cơ hội đến nay cũng chỉ là cơ hội.
Còn nhớ, khi bộ phim bom tấn của Hollywood “Kong: Skull Island” được công chiếu trên toàn cầu, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết đây là sự quảng bá tuyệt vời nhất cho Việt Nam, và những gì chúng ta cần làm qua hiệu ứng của bộ phim là cố gắng tận dụng để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu xây dựng tuyến du lịch kết nối Quảng Bình - Ninh Bình - Quảng Ninh mang tên Con đường Kong: Skull Island tại Việt Nam” - vị này khẳng định. Thế nhưng đến nay, tuyến du lịch này suốt 2 năm qua đã không tạo được dấu ấn về thương hiệu du lịch của Việt Nam, thậm chí có thể nói đã “chìm nghỉm”.
Singapore đã tiêu tốn 15 triệu USD để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1, và phần lớn chi phí này dành cho công tác đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, giá trị quảng bá Đảo quốc sư tử nhận lại từ hội nghị lên tới gần 700 triệu USD, đồng nghĩa với lãi gấp gần 50 lần so với con số chi phí tổ chức.
Trong 5 ngày diễn ra hội nghị, lượng khách du lịch đến Singapore đã tăng lên hàng ngàn lần. Mỗi du khách đã đóng góp trung bình 1.500USD cho kinh tế của Singapore. Không phải ngẫu nhiên du lịch Singapore đạt được con số ấn tượng này, mà đây là kết quả của cả quá trình phát triển có chiến lược rõ ràng của du lịch nước này.
Năm 2018, Việt Nam đón khoảng 15 triệu du khách nước ngoài, tạo ra 7% GDP với doanh thu khoảng 27 tỷ USD, đạt con số đặt ra cho năm 2020. Thế nhưng cũng trong năm này, nước láng giềng Thái Lan đón tới 35 triệu du khách, Singapore đón 18,5 triệu du khách. Điều đáng nói, chi tiêu của du khách khi đến Việt Nam là rất ít ỏi so với các nước khác trong cùng khu vực. Trung bình 1 du khách Nhật Bản, Mỹ, Nga… khi đi mua sắm chi tiêu 600-1.200USD/lần.
Trong khi tại các điểm đến của Việt Nam, mức chi tiêu của du khách chưa quá 300USD/lần mua sắm. Hầu hết du khách chỉ đi tham quan, mua những mặt hàng rẻ tiền, loại nhỏ (hàng thủ công mỹ nghệ, sơn mài, gốm sứ nhỏ, tranh ảnh...). Họ chủ yếu mua cho có chứ không phải vì hàng hóa ấn tượng, đặc sắc, thấy là muốn mua.
Báo cáo của Hiệp hội Du lịch thế giới đưa ra con số chỉ 6-10% du khách quay trở lại Việt Nam, hơn 90% còn lại “một đi không trở lại”. Ngay cả với khách nội địa, chỉ 24% đến thăm các điểm du lịch lần thứ 2 và chỉ 13% đến lần thứ 3.
So sánh với các quốc gia khác trong khu vực, Thái Lan có lượng du khách quốc tế quay trở lại từ 2 lần trở lên chiếm 82%, còn với Singapore tới 89%. Nguyên nhân chính, ngoài sự nghèo nàn cả về sản phẩm để mua sắm cũng như dịch vụ giải trí, nạn chèo kéo, chặt chém trong mua hàng cũng khiến du khách cảm thấy bất an.
Mới đây, TP du lịch Nha Trang đã xử phạt chủ nhà hàng Hưng Phát về việc chặt chém đoàn du khách Malaysia 500.000 đồng cho mỗi phần trứng xào cà chua, 400.000 đồng mỗi phần nghêu hấp hay 300.000 đồng mỗi phần rau luộc… trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, mà đáng ra giá có lên cao nhất cũng chỉ 100.000 đồng.
Rõ ràng nếu không có giải pháp dài hạn, chỉ dựa vào các sự kiện lớn để quảng bá du lịch, cơ hội cho ngành công nghiệp không khói trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sẽ mãi chỉ dừng ở cơ hội.

Các tin khác