Động lực cải cách thuế

Số liệu chốt cuối cùng của năm 2013 được Bộ Tài chính đưa ra cho thấy kết quả thực thu ngân sách nhà nước đạt 910.100 tỷ đồng, vượt 2,6%, tương đương 23.400 tỷ đồng so với dự toán. Đây là kết quả tích cực đặt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa khởi sắc và chính sách tài chính phải thực hiện giảm, hoãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi (trước đó, dự kiến tổng thu ngân sách năm 2013 hụt 25.000 tỷ đồng).

Số liệu chốt cuối cùng của năm 2013 được Bộ Tài chính đưa ra cho thấy kết quả thực thu ngân sách nhà nước đạt 910.100 tỷ đồng, vượt 2,6%, tương đương 23.400 tỷ đồng so với dự toán. Đây là kết quả tích cực đặt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa khởi sắc và chính sách tài chính phải thực hiện giảm, hoãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi (trước đó, dự kiến tổng thu ngân sách năm 2013 hụt 25.000 tỷ đồng).

Bên cạnh các giải pháp tăng thu như từ cổ tức, lợi tức sau thuế sau khi trừ trích lập các quỹ của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (thêm 28.000 tỷ đồng); thanh, kiểm tra và xử lý nợ đọng thuế, chống chuyển giá… điểm quan trọng được Bộ Tài chính nêu ra là hoạt động của doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, năm 2012, số doanh nghiệp khai lỗ 70% và hoạt động có lãi chỉ 30%, đến năm 2013 con số doanh nghiệp khai có lãi đã tăng lên 34,6%.

Con số 4,6% doanh nghiệp chuyển từ lỗ thành lãi đã giúp ngân sách tăng thêm 28.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nộp vào ngân sách 91.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Quan trọng hơn, đằng sau những con số này là tích lũy của doanh nghiệp đạt trên 270.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển tiếp theo.

Những số liệu trên cho thấy việc thực hiện giãn, giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp, nâng mức giảm trừ gia cảnh và mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đã không gây nhiều ảnh hưởng đến thu ngân sách, mà thực tế đã nuôi dưỡng nguồn thu, kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp có lãi và nộp thuế. Trước đó, trong lần công bố sơ bộ chi tiết cơ cấu số thu chốt 9 tháng năm 2013, một lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã khẳng định điều này.

Cụ thể, số thu ngân sách so với cùng kỳ của khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 17,8%, khu vực FDI tăng 30%. Trong khi đó, số thu khu vực doanh nghiệp nhà nước không kể số ghi thu, ghi chi bằng 98%, của 69 ngân hàng thương mại chỉ bằng 86%, nghĩa là giảm đến 14%. Từ đó, vị này cho biết dù giảm, giãn thuế nhưng 2 khu vực vẫn tạo động lực lớn cho thu ngân sách là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, FDI và giảm thu lớn chủ yếu đến từ bất động sản, khu vực ngân hàng.

Số liệu chốt cuối năm 2013 không cho biết cụ thể cơ cấu thu ngân sách nhưng nếu nhìn vào thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều ngân hàng không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm, cho thấy bức tranh về khu vực giảm thu ngân sách đã được thống kê sau 9 tháng không có nhiều thay đổi. Việc hoàn thành thu ngân sách năm 2013 có sự khởi sắc từ khu vực kinh doanh, trong đó có đóng góp không nhỏ từ chính sách tài chính. Điều này cũng lý giải phần nào những hoài nghi, tranh cãi trong 2-3 năm trở lại đây của không ít chuyên gia, doanh nghiệp về tính hiệu quả của việc giãn, giảm thuế đến đâu.

Từ ngày 1-1-2014, theo Luật Thuế sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN, thuế suất thuế TNDN phổ thông đã giảm từ 25% xuống còn 22%; sửa đổi đối tượng ưu đãi căn cứ theo dự án đầu tư thay vì ưu đãi theo pháp nhân, qua đó diện ưu đãi thuế được mở rộng khá nhiều; bổ sung vào diện được miễn thuế TNDN hoặc diện ưu đãi thuế ở mức cao đối với thu nhập của hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản, lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ môi trường; bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng, ưu đãi đối với khu công nghiệp...

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng có hiệu lực từ 1-1-2014, việc bổ sung cơ chế ngưỡng doanh thu nộp thuế theo phương pháp khấu trừ được coi là giải pháp có tác động tích cực, hiệu quả trong việc cải cách thủ tục hành chính, qua đó giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế trong việc kê khai, nộp thuế.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, những giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh… đã được thể hiện trong 2 luật thuế nêu trên. Tuy nhiên, bên cạnh các ưu đãi thuế hiện hành, để 2 luật trên sớm đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả, ngoài nỗ lực của các cơ quan quản lý trong triển khai thực hiện, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, đề ra phương án sản xuất kinh doanh tốt nhằm tận dụng những cơ hội mới về mặt chính sách. Đây là cơ hội để doanh nghiệp phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Các tin khác