Đồng lòng liêm chính kinh doanh

Trong cuộc khảo sát xã hội học được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới thực hiện cuối năm 2013, trả lời câu hỏi doanh nghiệp sẽ làm gì khi gặp khó khăn, 51% câu trả lời cho biết nhờ người có chức quyền tác động, 59% đưa quà hoặc tiền, chỉ 13% nói sẽ báo cáo cơ quan bảo vệ pháp luật và 6% thông tin cho báo chí.

Trong bài Thời luận kỳ trước, ĐTTC đã đề cập tới nỗ lực phòng chống tham nhũng của cơ quan nhà nước với mục tiêu thiết lập các cơ chế để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng. Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tham nhũng được coi là trở lực lớn, là quan ngại hàng đầu. Tuy nhiên, hiện nay giải quyết công việc bằng chi phí lót tay, bôi trơn đã trở nên phổ biến trong bộ phận lớn doanh nghiệp. Bởi vậy, để cuộc chiến chống tham nhũng thực sự hiệu quả, bên cạnh các giải pháp mạnh mẽ của Nhà nước về cơ chế, chính sách, phía doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi theo hướng thúc đẩy mạnh mẽ sự minh bạch và liêm chính trong kinh doanh.

Trong cuộc khảo sát xã hội học được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới thực hiện cuối năm 2013, trả lời câu hỏi doanh nghiệp sẽ làm gì khi gặp khó khăn, 51% câu trả lời cho biết nhờ người có chức quyền tác động, 59% đưa quà hoặc tiền, chỉ 13% nói sẽ báo cáo cơ quan bảo vệ pháp luật và 6% thông tin cho báo chí.

Kết quả cuộc khảo sát này cũng cho biết, 32% người được hỏi cho rằng đưa hối lộ để giải quyết khó khăn nhanh và dễ hơn, 26% cho rằng đưa hối lộ chỉ là chi phí nhỏ so với lợi ích sẽ có, 8% cho rằng không đưa hối lộ sẽ không giải quyết được công việc. Với một kết quả khác của cuộc khảo sát cho thấy, 70% doanh nghiệp chủ động đề nghị đưa hối lộ, càng cho thấy rõ tệ tham nhũng đã ăn khá sâu vào tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tác nhân, tội đồ của tham nhũng, nhưng cũng là đối tác trong phòng chống tham nhũng khi có thể đưa ra kiến nghị các giải pháp hướng đến chính quyền không tham nhũng. Để doanh nghiệp nói không với hối lộ, rất cần thiết xây dựng doanh nghiệp liêm chính để nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập.

Vậy doanh nghiệp liêm chính là như thế nào? Trong một cuộc hội thảo gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hoạt động quản trị doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó cam kết về trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững và thực hành liêm chính phải được coi là những giá trị cốt lõi. Trong khi đó theo khuyến nghị của các chuyên gia, để thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, doanh nghiệp cần thiết lập một hệ thống tuân thủ nội bộ nghiêm ngặt “ngăn chặn - phát hiện - phản hồi”, nhằm chống lại tham nhũng; phối hợp với các doanh nghiệp khác xây dựng những chương trình thúc đẩy minh bạch và đạo đức kinh doanh.

Tất nhiên, đó mới chỉ là những vấn đề mang tính nguyên tắc. Để xây dựng và thúc đẩy một môi trường kinh doanh minh bạch và liêm chính thực sự là điều không dễ dàng, cần phải làm từng bước. Ngày 7-5 vừa qua, gần 100 đại diện doanh nghiệp, lãnh đạo phòng thương mại nước ngoài và công ty đa quốc gia đã gặp gỡ để công bố về Liên minh Liêm chính Việt Nam. Dự kiến cuộc họp đầu tiên của nhóm lãnh đạo (bắt đầu bằng việc xây dựng cam kết liêm chính) sẽ tổ chức vào cuối tháng 6 tới.

Theo đó, Liên minh Liêm chính Việt Nam sẽ trở thành cộng đồng, nơi doanh nghiệp, tổ chức và chuyên gia hỗ trợ nhau nhằm quảng bá các tiêu chuẩn liêm chính trong mọi lĩnh vực; gắn kết và tập hợp các sáng kiến chống tham nhũng.

Liên minh này được hình thành dựa trên cam kết tự nguyện, không ràng buộc, hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng và không hối lộ. Đặc biệt, liên minh sẽ ủng hộ và thúc đẩy các quy tắc về liêm chính, minh bạch, trách nhiệm giải trình, quản trị hiệu quả và xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư. Liên minh là tổ chức nâng đỡ cộng đồng doanh nghiệp có những hoạt động nhằm tạo sự thay đổi và khuyến khích các sáng kiến liêm chính. Liên minh khuyến khích các tổ chức, khu vực tư nhân cũng như đối tác trong và ngoài nước tham gia các sáng kiến chống tham nhũng.

Việc thành lập liên minh trên có thể xem là những bước đi mạnh mẽ đầu tiên thúc đẩy liêm chính trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, liệu có đông đảo doanh nghiệp muốn tham gia liên minh để góp phần thay đổi tình hình hiện nay? Muốn chuyển từ “tội đồ” sang thành “đối tác” trong phòng chống tham nhũng, bản thân mỗi doanh nghiệp cần có sự thay đổi tư duy thực sự trong kinh doanh.

Cần xem liêm chính, đạo đức và sự minh bạch trong kinh doanh là nền tảng để phát triển bền vững. Có thể thời gian đầu khi nói không với tham nhũng, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhưng nếu cả cộng đồng doanh nghiệp cùng đồng lòng, thực hiện nghiêm các cam kết về liêm chính, tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. Và khi đó, được hưởng lợi nhiều nhất chính là doanh nghiệp.

Các tin khác