Đón tết lành mạnh, vui xuân văn hóa

(ĐTTCO)-Những năm gần đây thường xuyên xảy ra những cuộc tranh luận nảy lửa về việc ăn tết, nghỉ tết như thế nào. Có những người  đề nghị kéo dài thời gian nghỉ tết để người dân có đủ thời gian đón một cái tết đoàn viên, nhất là những người phải làm ăn xa nhà. Nhưng cũng đã có những ý kiến  đòi bỏ Tết Nguyên đán, gộp chung với Tết Dương lịch để phù hợp với thế giới.

(ĐTTCO)-Những năm gần đây thường xuyên xảy ra những cuộc tranh luận nảy lửa về việc ăn tết, nghỉ tết như thế nào. Có những người  đề nghị kéo dài thời gian nghỉ tết để người dân có đủ thời gian đón một cái tết đoàn viên, nhất là những người phải làm ăn xa nhà. Nhưng cũng đã có những ý kiến  đòi bỏ Tết Nguyên đán, gộp chung với Tết Dương lịch để phù hợp với thế giới.

 

Chắc chắn chúng ta không thể bỏ Tết Nguyên đán vì đó là tết cổ truyền của ông cha, của dân tộc, nhưng cũng phải hết sức nghiêm túc điều chỉnh thói quen ăn tết hoang phí, thiếu lành mạnh, thiếu bản sắc văn hóa của một bộ phận không nhỏ người dân.

Vừa qua, nhiều ý kiến phản ứng gay gắt với quan điểm của một chuyên gia kinh tế khi vị này nhắc đến sự hoang phí trong những ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Thực tế, cả năm làm lụng, chi tiêu tiết kiệm, không ít người lao động lại phóng tay tiêu pha vào những thứ vô bổ, phù phiếm trong dịp tết chỉ bởi một cái tặc lưỡi: “Tết mà!”.

Người dân đã vậy, các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp cũng tốn kém thời gian, chi phí cho tiệc tùng tết nhất, nên cả xã hội đang lãng phí. Sự lãng phí đó càng trở lên đáng phê phán trong bối cảnh kinh tế chung đang khó khăn, đất nước còn nhiều hộ nghèo và cận nghèo. Ý kiến của chuyên gia trên không phải là không có lý.

Nhiều người dân cũng đã than phiền về việc tết đến phải lo toan nhiều việc, tiêu tốn nhiều tiền cho lễ lạt, quà cáp, đi lại, nhậu nhẹt, họp mặt, vui xuân... trong khi đồng tiền kiếm được là không hề dễ dàng. Không ít người công nhân làm ăn xa nhà, dành dụm cả năm nhưng cũng chỉ đủ tiêu trong mấy ngày tết, vì tâm lý… “đi xa về phải chi tiêu cho đàng hoàng”.

Tết Nguyên đán là văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, đó là tết đoàn viên, là dịp để thành kính nhớ về tổ tiên, nguồn gốc gia đình, là dịp để trao gửi yêu thương với ông bà cha mẹ, người thân, là dịp để con người trở về với quê hương bản quán. Tết cũng là dịp để chúng ta phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, của từng miền quê, để nhân lên những điều nhân bản nhất của con người.

Vì thế, đón tết thực sự phải lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, để từ đó tạo không khí hăng say bước vào năm mới với khí thế thi đua lao động sản xuất, thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Tết cũng phải là dịp mà chính quyền địa phương, mặt trận các cấp và các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo tết cho người nghèo, đảm bảo cho mọi người, mọi nhà đều có tết.

Dịp tết năm nay, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 11-CT/TƯ về việc tổ chức Tết Đinh Dậu 2017, trong đó nêu rõ chủ trương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ban Bí thư yêu cầu các địa phương không chúc tết Trung ương; nghiêm cấm việc tặng quà tết cho cấp trên, dưới mọi hình thức.

Các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. Tại các phiên họp Chính phủ, Thủ tướng cũng đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu địa phương không chúc Tết Trung ương...

Những chỉ đạo này được dư luận rất đồng tình, vì nếu thực hiện tốt sẽ triệt tiêu được những tiêu cực, lãng phí không cần thiết trong dịp tết. Muốn vậy, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu, thực hiện tốt để người dân noi theo. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu bằng việc làm thiết thực. Tất cả cán bộ, đảng viên cùng thực hiện thì sẽ tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần hình thành nên văn hóa ăn tết lành mạnh, tiết kiệm, tràn đầy yêu thương.

Người dân Việt Nam cần cù chịu khó làm ăn, nhất là trong thời buổi hội nhập kinh tế hiện nay, không thể có thói ăn chơi “mút mùa”. Thời gian “xả hơi” vào dịp tết sau một năm miệt mài công việc là rất cần thiết và hợp lý, nhưng không thể kéo dài mãi đến nỗi phải bỏ bê công việc. Đây là thói quen cần chấn chỉnh và triệt tiêu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

Để mỗi cái tết là tết văn hóa, cần chống lãng phí, chống lối sống không phù hợp với thuần phong mỹ tục,  từ đó xây dựng dân giàu, nước mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện, sau đó vận động các tầng lớp nhân dân  làm theo. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể phải tuyên truyền, vận động để mỗi người tự giác thực hiện việc ăn tết lành mạnh, tiết kiệm và giữ được bản sắc văn hóa.

Các tin khác