Đổi mới thể chế, tư duy

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp (DN) cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đổi mới thể chế được coi là động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững cho kinh tế đất nước.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp (DN) cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Cũng trong những ngày đầu năm mới, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã hoàn thiện dự thảo Luật DN (sửa đổi) để đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét. Đây có thể xem như những bước đi đầu tiên trong việc triển khai thông điệp về đổi mới thể chế kinh tế mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra.

Trong 8 năm qua, Luật DN 2005 và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện Luật DN đã gặp phải không ít vướng mắc, hạn chế.

Theo tổng kết của Bộ KH-ĐT, nội dung một số điều khoản của luật chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau. Một số điều khoản thiếu tính khả thi, gây cản trở và làm tăng thêm chi phí tuân thủ đối với các nhà đầu tư và DN.

Thí dụ, thủ tục thành lập DN đã được cải thiện nhiều và cơ bản so với trước đây. Song so sánh với quốc tế và khu vực, mức độ phức tạp và tốn kém về chi phí tuân thủ, thủ tục thành lập DN và khởi sự kinh doanh năm 2013 của nước ta vẫn ở thứ hạng thấp, đứng thứ 106/180 quốc gia và nền kinh tế.

Trong khi đó, cách thức và yêu cầu đăng ký ngành nghề kinh doanh theo mã ngành kinh tế quốc dân chưa thật hợp lý, chưa đảm bảo nguyên tắc “DN được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm, hoặc không hạn chế”, gây thêm phiền hà, tăng thêm rủi ro, chi phí tuân thủ cho DN. Yêu cầu công khai và minh bạch hóa thông tin đối với DN nói chung còn yếu, nhất là đối với các công ty cổ phần chưa đại chúng và DNNN.

Mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật DN là làm cho DN trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Các mục tiêu cụ thể dự án Luật DN (sửa đổi) đề ra là tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập DN; đối xử bình đẳng về thủ tục giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đáng chú ý mục tiêu “nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với DN” được cơ quan soạn thảo xếp cuối cùng, có thể coi là sự đổi mới tư duy khá căn bản về xây dựng thể chế.

Cụ thể, đối với quy định về thành lập và đăng ký DN, dự thảo Luật DN (sửa đổi) tách bạch giữa thành lập DN và giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập DN như chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định...; tiếp tục đơn giản hóa yêu cầu hồ sơ đăng ký thành lập DN, đồng thời áp dụng thống nhất các thủ tục về thành lập DN, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (bãi bỏ Điều 20 Luật DN 2005).

Dự thảo cũng xác định rõ quyền thành lập DN, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài theo nguyên tắc không hạn chế tỷ lệ phần vốn góp hoặc cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong DN Việt Nam, trừ trường hợp bị hạn chế theo pháp luật chuyên ngành và cam kết quốc tế; bổ sung quy định hướng dẫn thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN rõ ràng hơn...

Thủ tục thuận lợi, thông thoáng hơn sẽ có lợi cho hoạt động của DN. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng thủ tục thành lập DN hiện nay ở nước ta quá đơn giản, nên một số DN đã thành lập để lừa đảo, mua bán hóa đơn, hoàn thuế...

Cần nhìn nhận rằng những cải cách đơn giản hóa thủ tục thành lập DN theo Luật DN 1999 và 2005 đã tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, huy động vốn, phát triển kinh tế. Xét theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, mức độ thuận lợi trong thành lập DN và khởi sự kinh doanh vẫn thấp hơn chuẩn mực trung bình của quốc tế.

Vì vậy, cần phải có thay đổi theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, giảm thủ tục, giảm thời gian đăng ký thành lập DN và khởi sự kinh doanh. Để đổi mới thể chế một cách thực sự, đã đến lúc phải thay đổi tư duy về làm luật và cách thực hiện luật, không thể giữ mãi cách làm “không quản lý được thì cấm” như hiện nay.

Các tin khác