Doanh nghiệp nhỏ không lớn

Kết quả do nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trường Đại học Tổng hợp Copenhagen (Đan Mạch) và Viện Khoa học Lao động và các vấn đề xã hội (ILSSA), công bố đưa đến nhiều lo ngại: Đại diện nhóm, GS. Finn Tarp đến từ Trường Đại học Copenhagen, cho biết kết quả khảo sát 3 năm (2011-2013) cho thấy không có doanh nghiệp siêu nhỏ (<10 lao động) chuyển thành doanh nghiệp vừa (50-300 lao động); khoảng 2,2% doanh nghiệp nhỏ (10-49 lao động) chuyển thành doanh nghiệp vừa; khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm quy mô sử dụng lao động.
 

3 năm qua, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta có xu hướng thu hẹp quy mô sản xuất, giảm nhu cầu sử dụng lao động, ít đổi mới sáng tạo và chuyển thành doanh nghiệp siêu nhỏ để hoạt động. Kết quả khảo sát nghiên cứu về môi trường kinh doanh năm 2013 (thực hiện với 2.500 DN tại 10 địa phương ở các khu vực Bắc, Trung, Nam) vừa được công bố, đã làm những người quan tâm nhiều cảm xúc.

Kết quả do nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trường Đại học Tổng hợp Copenhagen (Đan Mạch) và Viện Khoa học Lao động và các vấn đề xã hội (ILSSA), công bố đưa đến nhiều lo ngại: Đại diện nhóm, GS. Finn Tarp đến từ Trường Đại học Copenhagen, cho biết kết quả khảo sát 3 năm (2011-2013) cho thấy không có doanh nghiệp siêu nhỏ (<10 lao động) chuyển thành doanh nghiệp vừa (50-300 lao động); khoảng 2,2% doanh nghiệp nhỏ (10-49 lao động) chuyển thành doanh nghiệp vừa; khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm quy mô sử dụng lao động.

Trong số 2.500 doanh nghiệp được khảo sát, điều tra, có 431 doanh nghiệp đã thoát khỏi thị trường, đóng cửa doanh nghiệp; 356 doanh nghiệp đóng cửa tạm thời và cũng có khuynh hướng thoát khỏi thị trường. Nghịch lý còn nằm ở chỗ, thông thường khi doanh nghiệp giảm số lượng lao động thì năng suất phải tăng lên, nhưng kết quả khảo sát trong 3 năm qua lại cho thấy điều ngược lại.

Số lượng lao động giảm nhưng năng suất lao động cũng giảm theo. Thực tế này cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thu hẹp sản xuất, chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ để hoạt động. Còn doanh nghiệp dạng nhỏ, siêu nhỏ đang trở nên… khó lớn hơn. Số liệu cũng cho thấy có đến 95% doanh nghiệp siêu nhỏ trong năm 2011 vẫn là những doanh nghiệp siêu nhỏ năm 2013; có rất ít doanh nghiệp siêu nhỏ phát triển thành doanh nghiệp nhỏ. Ngành nghề kinh doanh của họ không được mở rộng, việc đổi mới sáng tạo của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp.

Được coi là khu vực năng động, là động lực của nền kinh tế, nhưng kết quả trên phản ánh thực trạng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang teo tóp khi phải đối mặt với quá nhiều khó khăn từ bất ổn kinh tế vĩ mô và khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Rõ ràng, bức tranh hoạt động doanh nghiệp những năm gần đây  hết sức ảm đạm. Tất cả chỉ số năng suất, tạo việc làm, nghiên cứu và sáng tạo đều giảm. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, sở dĩ doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa Việt Nam không lớn được và không thể lớn bởi gặp những vấn đề mang tính nền tảng. Dù họ có ý tưởng nhưng vẫn không thể phát triển.

Vì thế, khu vực này cần một sự thay đổi lớn lao. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có đủ năng lực để thay đổi? Nếu ta chỉ mở cửa mà không phát triển được khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ trong nước thì chính sách không thành công.

“Hiện nay cạnh tranh khu vực tư nhân luôn bị lép vế, môi trường thể chế tư nhân bị đối xử bất bình đẳng. Vì thế cần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, thị trường theo đúng nghĩa” - TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, nói.

Kết quả điều tra, khảo sát tập trung khu vực kinh doanh hộ gia đình (hiện cả nước có khoảng 4,7 triệu hộ kinh doanh theo mô hình siêu nhỏ), đã phản ánh dường như nước ta chưa có những chính sách thiết kế dành riêng cho khu vực này. Những chính sách hiện đang tập trung vào các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, ít dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Đây là khu vực doanh nghiệp yếu thế nhất, họ cần các chính sách hỗ trợ để có động lực phát triển.

Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ đổi mới giảm mạnh so với năm 2011, kể cả về giới thiệu sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm hiện có. Sự suy giảm này có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với tính năng động trong tương lai, do đổi mới thông qua việc cải tiến sản phẩm hiện có quan hệ thuận chiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, các chính sách cần hướng trọng tâm đến nâng cao năng lực sáng tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chia sẻ nỗi lo này, TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng việc cần làm trước tiên là rà soát đầu tư công. Tiếp đó phải làm sao để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Các tin khác