Doanh nghiệp còn nhiều rào cản

(ĐTTCO) - Triển khai Nghị quyết 35/ND-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, UBND TPHCM đã xây dựng kế hoạch đến năm 2020 có ít nhất 500.000 DN hoạt động, với nhiều DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Doanh nghiệp còn nhiều rào cản
 Để thực hiện mục tiêu này, TP đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN về vốn, giảm các thủ tục hành chính. Đặc biệt Cục Thuế TPHCM đã triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ thông tin về thuế cho DN, với mục tiêu “Tuyên truyền và hỗ trợ kịp thời thông tin liên quan về thuế cho DN trên địa bàn. Không để DN gặp khó khăn hay ngưng kinh doanh do thiếu thông tin về thuế... 

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay đối với DN TPHCM cũng như DN cả nước, là các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đang đẩy DN vào rủi ro, mất cơ hội làm ăn, và với hộ kinh doanh thì không muốn lên DN. 

Đó là, theo rà soát mới đây của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 5.719 ĐKKD được đặt ra cho 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong đó, Bộ Công Thương dẫn đầu với 1.220 ĐKKD; tiếp đến là Bộ Y tế với 740 điều kiện, rồi Bộ Tài chính và Bộ Giao thông-Vận tải… 

Điều đáng nói, có những ĐKKD đặt ra rất mơ hồ, như quy định 3 nhóm ngành nghề “kinh doanh thực phẩm” đều thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế nên rất khó để phân biệt. Thậm chí có ĐKKD rất vô lý. Chẳng hạn, trong lĩnh vực du lịch, để được cấp phép đạt chuẩn khách sạn 5 sao, DN phải đi xin tới 3 loại giấy phép con gồm ngành nghề kinh doanh đặc biệt, giấy đủ điều kiện an ninh trật tự trong spa và giấy phép cho hoạt động lưu trú.
Hoặc nhiều ngành, nghề không nhận thấy tác động đáng kể nào tới lợi ích công cộng, có thể quản lý bằng công cụ khác nhưng vẫn đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện, như dịch vụ mua bán nợ; xuất khẩu gạo; dịch vụ đại lý tàu biển... 

Với cách quy định như vậy, ĐKKD đang giết chết DN, cản trở DN tham gia thị trường và tạo độc quyền cho một nhóm DN khác. Rõ nhất là lĩnh vực kinh doanh nhập khẩu ô tô, xăng dầu, xuất khẩu gạo, 99% DN muốn bỏ ĐKKD nhưng tiếng nói không có sức nặng bằng 1% DN muốn giữ lại để hạn chế sự tham gia của DN mới. Bên cạnh đó, ĐKKD trá hình đang phát tán dưới 4 hình thức: quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục hành chính và quy hoạch. Những ĐKKD chính thức và trá hình đã khiến DN khởi nghiệp, hộ kinh doanh và DN nhỏ không thể không vi phạm.
Và thực tế việc thời gian qua DN thành lập nhiều nhưng cũng bị khai tử nhiều có nguyên nhân từ ĐKKD gây khó khăn, cộng với quyền hành xử của cơ quan thực thi, tạo ra chi phí lớn khiến DN không thể vượt qua. 

Có thể nói thẳng rằng ĐKKD đang mang đậm dấu ấn của các bộ chủ quản; đặc điểm chung là can thiệp sâu quyền tự quyết của DN, yêu cầu về quy mô, can thiệp cả vào nguyên tắc thị trường. Theo đó, với quan điểm "bỏ giấy phép quản lý bằng gì", các bộ, ngành tìm mọi cách "đẻ" ra các ĐKKD. Minh họa cho sự nảy nở của ĐKKD, một lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dùng hình ảnh "cây phả hệ" để sắp xếp từ 243 ĐKKD "mẹ" quy định trong Luật Đầu tư, đẻ ra khoảng 600 ĐKKD "con".
Trung bình 1 ĐKKD "mẹ" có 25 ĐKKD "con". Mỗi "con", trung bình có thêm 5-6 ĐKKD "cháu". Tính chung cả "cây phả hệ" là hàng ngàn ĐKKD đang bủa vây DN. Các bộ, ngành, địa phương đang coi ĐKKD là công cụ quản lý nhà nước với tư duy quản lý bằng mọi giá, không tính đến chi phí, thời gian và tiền bạc của DN phải tăng lên để đáp ứng các ĐKKD này.

Việc loại bỏ giấy phép con đã được tiến hành từ hơn 10 năm qua nhưng không hiệu quả, càng gỡ càng rối, cải cách càng không đạt mục tiêu. ĐKKD là nhằm ràng buộc, hạn chế và kiểm soát chủ thể kinh doanh. Song công cụ này chỉ nên sử dụng trong trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể tác động đến trật tự công cộng. Đã đến lúc đánh giá lại toàn diện thực hiện Nghị quyết 19 và 35 để xem trong những năm qua đã gỡ bỏ được những rào cản nào cho DN, rào cản nào phát sinh và tăng cường giám sát thực hiện. 

Các tin khác