Điều kiện kinh doanh vẫn còn ràng buộc

(ĐTTCO) - Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa có đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Đáng chú ý trong Luật Đầu tư sau khi đánh giá tác động, bộ này muốn bãi bỏ 21 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong danh mục 243 ngành nghề vốn vừa được sửa đổi, bổ sung năm 2016 (vừa có hiệu lực 1-7-2017).
Điều kiện kinh doanh vẫn còn ràng buộc

Trong danh sách đề nghị bãi bỏ có loại hình kinh doanh mua bán nợ. Đây là ngành, nghề đã nhiều lần được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị loại khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư năm 2016. Bởi về bản chất, mua bán nợ là giao dịch trong đó một khoản nợ được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác.

Nợ - đối tượng của giao dịch này - có thể là bất kỳ khoản nợ nào hình thành trong các giao dịch dân sự, thương mại bình thường. Chủ thể của giao dịch mua bán nợ có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào. 

Kết quả của giao dịch mua bán nợ không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ, chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó. Như vậy, từ tất cả góc độ (đối tượng, chủ thể, hệ quả), việc thực hiện giao dịch mua bán nợ cũng như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chỉ liên quan tới các chủ thể tham gia, hoàn toàn không ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng.
Hơn nữa, theo pháp luật dân sự hiện hành, nợ đang được xem là một loại hàng hóa thông thường, được giao dịch bình thường trên thị trường. Hệ thống pháp luật về dân sự, thương mại liên quan tới hoạt động mua bán hiện tại đã cung cấp đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh giao dịch mua bán nợ cũng như các giao dịch hỗ trợ mua bán nợ.
Hay như sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG - sản phẩm chứa đựng nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng, tác động đến môi trường) cần được kiểm soát.
Hiện chai LPG được quản lý theo cơ chế phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật trước khi lưu thông ra thị trường. Bất kỳ chủ thể sản xuất, nhập khẩu, sửa chữa, kiểm định đều phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật này. Do đó, sản phẩm cuối cùng trước khi ra thị trường phải được kiểm định, đảm bảo phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật và hạn chế/ngăn chặn được rủi ro tác động đến các lợi ích công cộng.
Do đó, không cần thiết phải yêu cầu chủ thể sản xuất, sửa chữa chai LPG phải đáp ứng điều kiện kinh doanh.
Hoặc lĩnh vực sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy. Đây là sản phẩm tác động đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng. Vấn đề cần kiểm soát đối với ngành, nghề kinh doanh này chính là đảm bảo việc sử dụng mũ bảo hiểm an toàn của người đi mô tô, xe máy. Điều này có thể kiểm soát thông qua việc yêu cầu về chất lượng sản phẩm trước khi được lưu hành trên thị trường.
Dù chủ thể sản xuất bằng công nghệ nào, sản phẩm trước khi ra thị trường cũng phải được kiểm duyệt để đảm bảo phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật. Hoạt động chứng nhận hợp quy này sẽ được thực hiện bởi tổ chức chứng nhận (đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá năng lực và xác nhận đủ trình độ để chứng nhận hợp quy). Như vậy, các quy định hiện hành đủ để kiểm soát về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Do đó, kiểm soát điều kiện đối với các chủ thể kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy là không cần thiết, chưa hợp lý và cản trở lớn đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế, thời gian qua nhiều ngành, nghề kinh doanh đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kiến nghị loại bỏ trong danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng đã không được tiếp thu, sửa đổi. Thí dụ, hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; xuất khẩu gạo; kinh doanh dịch vụ logistics...
Để rồi, trong kế hoạch sửa Luật Đầu tư sắp tới, những kiến nghị trên mới được tiếp thu và đề xuất bãi bỏ. 
Việc bãi bỏ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện phi lý là cần thiết nhằm xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu tham chiếu với 26 ngành, nghề VCCI rà soát cách đây vài tháng và cho rằng không còn phù hợp nằm trong danh mục kinh doanh điều kiện, vẫn còn 10 ngành, nghề chưa được tiếp thu, loại bỏ trong lần sửa sắp tới.
Thí dụ kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô; kinh doanh thủy sản; kinh doanh phân bón… Những bất hợp lý đã được VCCI chỉ ra nhưng chưa được tiếp thu. Liệu có xảy ra việc danh mục kinh doanh có điều kiện lại thay đổi sau 1 năm ban hành như đã từng xảy ra?

Các tin khác