Điểm yếu quản trị doanh nghiệp

Trong số báo ra ngày 6-11-2014, mục thời luận ĐTTC có bài “Doanh nghiệp nhỏ không lớn”. Để làm rõ thêm về vấn đề này, ĐTTC tiếp tục phân tích từ ý kiến các chuyên gia cũng như các kết quả khảo sát, một trong những nguyên nhân chính là việc quản trị công ty chưa tốt, thông tin chưa minh bạch đã làm hạn chế khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Trong số báo ra ngày 6-11-2014, mục thời luận ĐTTC có bài “Doanh nghiệp nhỏ không lớn”. Để làm rõ thêm về vấn đề này, ĐTTC tiếp tục phân tích từ ý kiến các chuyên gia cũng như các kết quả khảo sát, một trong những nguyên nhân chính là việc quản trị công ty chưa tốt, thông tin chưa minh bạch đã làm hạn chế khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.


Lấy đơn cử từ kết quả từ chương trình đánh giá thẻ điểm quản trị công ty ASEAN do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng các đối tác thực hiện, cho thấy thực tế đáng buồn: Trong 6 nước tham gia là Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam, Việt Nam đứng cuối cùng khi điểm quản trị của DN Việt ở dưới mức trung bình.

Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN là bộ câu hỏi được xây dựng dựa trên các quy tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác - Phát triển kinh tế (OECD) và khuôn khổ luật pháp quản trị công ty của các nước tham gia dự án này.

 Tại Việt Nam, quản trị công ty chính thức đề cập từ năm 2012, khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 121/2012/TT-BTC hướng dẫn hoạt động này với các công ty đại chúng. Dù có văn bản luật, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều vấn đề và hiện nay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nghiên cứu việc thành lập Viện Quản trị công ty, với mục tiêu đào tạo các thành viên hội đồng quản trị của các công ty niêm yết, công ty đại chúng.

Một chuyên gia người nước ngoài từng chia sẻ, một trong những lý do khiến DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ít hợp tác với DN Việt Nam do chưa tin tưởng vào sự minh bạch của DN Việt, nhiều chủ DN chưa đủ kỹ năng để đưa ra quyết định. Thực tế, năm 2010, Hiệp hội DN TPHCM đã có Quyết định 112/QĐ-HH về việc thành lập Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị DN (Viện Leadman), như một biện pháp giúp DN đào tạo lại cũng như nâng cao kiến thức kỹ năng cho đội ngũ nhân viên. Hàng năm, Viện Leadman đào tạo cho gần 4.000 lượt học viên trong nhiều lĩnh vực quản trị DN thuộc các tập đoàn, tổng công ty trong cả nước. Song dường như tất cả những nỗ lực này vẫn chưa tạo thành đòn bẩy mạnh cho sự phát triển của DN tư nhân Việt Nam.

Để DN có thể tồn tại và phát triển cần có nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố được nhắc đến nhiều là nhân lực, tài chính và chính sách của Nhà nước. Trước hết về nhân lực, việc đào tạo và nâng cao năng lực cho các lãnh đạo cũng như thành viên hội đồng quản trị của DN là hết sức quan trọng, sau đó là đào tạo đội ngũ nhân viên và công nhân lành nghề. Tuy vậy, dưới góc nhìn của một số chuyên gia nước ngoài, dường như không ít DN Việt Nam chưa đầu tư phát triển nguồn nhân lực.

Kế đến, vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay là tài chính. Nhiều DNNVV, đặc biệt DN siêu nhỏ đang rất khó tiếp cận các khoản vay ngân hàng. Phần vì lãi suất còn cao, phần vì DN không có tài sản thế chấp. Câu hỏi đặt ra là liệu DN có thể vay không cần thế chấp hay huy động nguồn vốn ngoài ngân hàng? Và cuối cùng là chính sách của Nhà nước cần tạo ra sự bình đẳng giữa các khối DN, đặc biệt việc thực thi các chính sách phải thực sự hiệu quả. Trên thực tế trong một số ngành như nông nghiệp, chính sách khá đầy đủ nhưng khi triển khai vẫn gặp nhiều vướng mắc dẫn đến cả DN và người dân không tiếp cận được. Sự minh bạch trong việc thực thi chính sách của Nhà nước luôn là điều DN trông đợi.

Rõ ràng, phát triển DN tư nhân, chủ yếu là các DNNVV đang ngày càng trở nên cấp thiết, nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực càng đặt DN Việt vào thế phải cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng với DN đến từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Kết quả tất yếu DN nào mạnh, đủ năng lực cạnh tranh mới tồn tại; DN nào yếu đương nhiên sẽ bị thị trường đào thải. Bà Nguyễn Mai Thanh, Chủ tịch REE Corp, đã từng chia sẻ: “Tôi rất thích câu nói của Thủ tướng Đức Angela Merkel, rằng 80% nền kinh tế Đức được đóng góp bởi DNNVV. Theo đó, lực lượng DN này đã đưa Đức trở thành nước xuất khẩu sản phẩm công nghiệp lớn nhất châu Âu. Chính vì thế, Việt Nam không nên tập trung phát triển DN lớn mà quên mất sức mạnh tiềm tàng của các DN nhỏ. Chúng ta là những DNNVV nhưng có giá trị”.

Các tin khác