Điểm nghẽn thể chế

Đặc biệt, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn song kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng, GDP quý II tăng cao hơn quý I và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,18%, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ 2 năm trước.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6, Chính phủ nhận định trong 6 tháng đầu năm 2014, nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi và đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng. Kinh tế vĩ mô giữ được ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, giá cả thị trường khá ổn định; lãi suất được điều chỉnh giảm; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, tiếp tục có xuất siêu…

Đặc biệt, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn song kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng, GDP quý II tăng cao hơn quý I và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,18%, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ 2 năm trước.

Tuy nhiên, những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế vẫn còn đó, như tổng cầu của nền kinh tế, nhất là cầu đầu tư. Mặc dù theo ước tính tổng đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 30,2% GDP, cao hơn mức 29,6% GDP cùng kỳ 2013, nhưng đầu tư khu vực ngoài nhà nước đã giảm từ 11,1% GDP xuống 10,3% GDP. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng nhanh. Điều tra PMI của HSBC cho thấy giá cả đầu vào đã liên tục tăng kể từ tháng 7-2013, nhất là trong tháng 5-2014 mức tăng này đã gấp đôi các tháng trước.

Tổng cầu yếu là vấn đề đã được quan tâm cải thiện trong vài năm gần đây, nhưng dường như các nỗ lực chính sách vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề này. Xu hướng này bắt đầu từ năm 2012, khi chi tiêu tư nhân suy giảm do thu nhập khả dụng của người dân nói chung không tăng. Điều này lý giải cho tốc độ tăng trưởng thấp trong một mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư và chưa có dấu hiệu cải thiện trong những năm qua.

Tổng cầu nội địa suy giảm, chi phí kinh doanh gia tăng, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện… đã khiến khu vực tư nhân gặp rất nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động tăng cao, quy mô doanh nghiệp giảm mạnh, tổng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp và tốc độ tăng doanh thu cũng suy giảm.

Trong bối cảnh những nỗ lực tăng tổng cầu chưa mang lại kết quả như mong muốn, tổng cung của nền kinh tế cũng không có dấu hiệu cải thiện tích cực do chưa thực hiện các chính sách cải cách một cách quyết liệt và hiệu quả (tái cơ cấu, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển công nghệ…).

Nền kinh tế kiểm soát được lạm phát ở mức thấp nhưng đổi lại tăng trưởng sản lượng vẫn suy giảm, khu vực sản xuất thực trì trệ, thiếu động lực và bị thu hẹp, lao động thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, thu nhập và đời sống thực tế của đa số người dân giảm, an ninh và trật tự xã hội có những diễn biến đáng lo ngại. Không phải không có lý khi trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 vừa phát hành, nhóm tư vấn chính sách của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định: nền kinh tế chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm và vẫn đối diện với nhiều rủi ro.

Theo tính toán, với mức tăng GDP 5,18% trong 6 tháng đầu năm, để GDP cả năm 2014 đạt mức kế hoạch 5,8%, trong 6 tháng còn lại GDP cần đạt khoảng 6,25%. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng bởi trong những năm trước tăng trưởng kinh tế của 6 tháng cuối năm khá thấp (năm 2012 tăng 5,49%, năm 2013 chỉ đạt 5,82%).

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6, Chính phủ yêu cầu trong 6 tháng cuối năm các bộ, ngành, địa phương dồn sức tháo gỡ khó khăn, tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA. Thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, qua đó góp phần tăng tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng.

Vấn đề đặt ra là phải sớm giải quyết những điểm nghẽn về thể chế. Bởi lẽ, điều kiện tiền đề cho đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế là đổi mới tư duy và đổi mới thể chế vẫn chưa được công phá quyết liệt, đang cản trở sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường, làm méo mó thị trường và phân bổ nguồn lực.

Những điểm nghẽn quan trọng kế đến là vấn đề quản trị doanh nghiệp nhà nước còn duy trì ở diện rộng; phân cấp, phân quyền đi đôi với ràng buộc trách nhiệm chưa đúng mức trong quản lý đầu tư công; thể chế thị trường cho các hàng hóa công ích còn chập chờn, và vấn đề chất lượng, tính minh bạch của thống kê kinh tế.

Những điểm nghẽn về thể chế nếu được giải quyết có thể coi là chìa khóa quan trọng tạo điều kiện phân bổ và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả, thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, giúp vượt qua giai đoạn suy giảm để phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Các tin khác