Để luật thực sự là cải cách đột phá

Hôm nay 21-4, dự án Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi sau một thời gian hoàn thiện sẽ chính thức được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Hôm nay 21-4, dự án Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi sau một thời gian hoàn thiện sẽ chính thức được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Với nhiều quy định mới thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, thời gian qua dự án Luật DN sửa đổi đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình từ các chuyên gia, đại diện giới DN tại nhiều diễn đàn, hội thảo.

Tuy nhiên, đi sâu vào các quy định cụ thể, vẫn còn nhiều điểm trong dự thảo cần được xem xét, hoàn thiện để thể chế hóa quan điểm quản trị DN hiện đại, tạo bước đột phá trong quản lý hoạt động DN. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để DN có môi trường kinh doanh bình đẳng và phát triển thuận lợi, nhất là trong giai đoạn hội nhập.

Trước hết, về thủ tục đăng ký thành lập DN, luật sửa đổi tiếp tục thuận lợi hóa thủ tục đăng ký kinh doanh thông qua việc áp dụng thống nhất các thủ tục thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Theo đó sẽ tách biệt việc đăng ký thành lập DN và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập DN, như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ không ghi ngành nghề, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nghĩa là DN có quyền kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm, thay vì chỉ được kinh doanh những gì đã đăng ký.

Đây được đánh giá là bước tiến lớn về tư duy quản lý DN. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc tách bạch giữa thành lập DN và giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập DN... là chưa hợp lý.

Nếu thực hiện sửa đổi Luật DN theo hướng này, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng sẽ được thỏa mãn “cơn khát” thành lập DN. Nhưng đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau khi nhà đầu tư phải bỏ chi phí soạn thảo hồ sơ và đăng ký thành lập DN, nộp thuế môn bài nhưng chưa hoặc không thỏa mãn được các điều kiện tiếp theo để kinh doanh ngành nghề có điều kiện, hay việc DN sau khi đăng ký thành lập sẽ tiến hành hoạt động mà không chờ hoàn tất các điều kiện kinh doanh, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra tuân thủ và tác động xấu tới xã hội… sẽ được giải quyết như thế nào?

Thực tế, các điều kiện kinh doanh sẽ sàng lọc để loại bỏ nhà đầu tư thiếu năng lực khi tiến hành công việc kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Việc gắn kết giữa thành lập DN và điều kiện kinh doanh không gây khó khăn và tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư có năng lực. Ngược lại, các điều kiện kinh doanh là rào cản giúp nhà đầu tư chưa đủ năng lực tiết kiệm chi phí, ít nhất là chi phí đăng ký DN, chi phí duy trì DN sau đăng ký và các chi phí thuế môn bài, giải thể...

Rào cản này còn giúp cơ quan nhà nước không phải hậu kiểm đối với nhà đầu tư thành lập DN có ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo một số chuyên gia, quy định đáng phải sửa đổi đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ phải liên tục, thường xuyên cập nhật để bổ sung hoặc loại bỏ các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh không cần thiết cho nhà đầu tư.

Một vấn đề khác cũng được đặt ra khi nhiều ý kiến cho rằng dự thảo mới có nhiều điểm không bảo vệ tốt quyền lợi cổ đông nhỏ trong công ty cổ phần như quy định hiện hành. Dự thảo luật cho phép công ty cổ phần có thể được lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình đa hội đồng (có ban kiểm soát - BKS) hoặc đơn hội đồng (không có BKS).

Quy định này tuy tạo sự linh hoạt cho DN trong tổ chức hoạt động, nhưng có nguy cơ tác động tiêu cực đến việc bảo vệ cổ đông nhỏ khi DN chọn áp dụng mô hình đơn hội đồng. Bên cạnh đó, dự thảo quy định tỷ lệ biểu quyết để nghị quyết, quyết định trong DN được thông qua đối với một số nội dung là 65% và 51%, nghĩa là giảm tỷ lệ biểu quyết so với Luật DN 2005, đã không thể hiện được mục đích bảo vệ cổ đông nhỏ trước cổ đông lớn.

Bởi chỉ cần 1 phiếu biểu quyết của cổ đông lớn đã quyết định việc thông qua hay không thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông, tức đã không  bảo vệ được cổ đông thiểu số. Do đó, quy định tỷ lệ càng lớn sẽ hạn chế được sự độc đoán, chuyên quyền của các cổ đông lớn, bảo vệ quyền và lợi ích cho cổ đông thiểu số. Đây là những vấn đề cần được xem xét, thảo luận kỹ để có những chỉnh sửa hợp lý trước khi dự thảo Luật DN sửa đổi được trình ra Quốc hội vào tháng 5 tới.

Các tin khác